Mang thai lần đầu thường đem lại cho các chị em nhiều cảm giác mới mẻ, xen lẫn hạnh phúc nhưng cũng không ít bối rối và lo lắng về những thay đổi bất thường của cơ thể. Đồng thời do chưa có kinh nghiệm trong việc chăm sóc bản thân và em bé mà đã gặp khá nhiều rắc rối trong thời kỳ mang thai. Bài viết kinh nghiệm mang thai lần đầu dưới đây sẽ giúp các chị em giải quyết nỗi lo ấy:
Nội dung chính
1, Dấu hiệu mang thai sớm
Thông thường các mẹ bầu chưa có nhiều kinh nghiệm phát hiện dấu hiệu mang thai. Các dấu hiệu phổ biến báo hiệu có thai sớm các chị em có thể lưu ý là:
- Chảy máu nhẹ vùng kín
- Đi tiểu thường xuyên
- Đau đầu, mệt mỏi cơ thể
- Thân nhiệt tăng lên, đau tức ở ngực
- Tâm trạng thay đổi thất thường
- Nhạy cảm với mùi và rối loạn ăn uống
- Một trong những dấu hiệu có thai dễ nhận biết nhất đó là phụ nữ thường bị chậm kinh.
- Và que thử thai lên 2 vạch
Xem thêm: Dấu hiệu mang thai sớm nhất
2, Lịch siêu âm thai kỳ
Khi trễ kinh một tuần, hoặc khi thử que hai vạch các chị em hãy đến bệnh viện để khám ngay. Có nhiều người biết có thai nhưng cố đợi đến hai ba tháng mới đi khám. Điều đó hoàn toàn không nên. Rất cần phải khám thai sớm để loại trừ trường hợp thai nằm ngoài tử cung hoặc các trường hợp xấu khác. Theo các bác sĩ sản khoa, trong suốt quá trình thai nghén có 3 thời điểm bắt buộc mẹ bầu phải đi siêu âm thai.
- Từ tuần 12 – 14 của thai kỳ: Đây là thời điểm bác sĩ siêu âm có thể xác định tuổi thai một cách chính xác nhất. Và điều quan trọng hơn của việc siêu âm thai trong thời kỳ này là bác sĩ có thể đo khoảng sáng sau gáy nhằm dự đoán một số bất thường nhiễm sắc thể (những bất thường này có thể là nguyên nhân gây bệnh Down, dị dạng tim, chi, thoát vị cơ hoành…).
- Từ tuần 21 – 24 của thai kỳ: Hầu hết các cơ quan bên trong thai nhi đều được bác sĩ siêu âm kiểm tra để đảm bảo thai phát triển bình thường. Các cột sống, hộp sọ, não, tim, phổi, thận, cánh tay và chân của thai nhi ở thời kỳ này đều có thể được nhìn thấy. Ngoài ra, bác sĩ có thể phát hiện hầu hết các bất thường về hình thái của thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan nội tạng. Thời gian này đặc biệt quan trọng còn bởi vì những đình chỉ thai nghén chỉ có thể được thực hiện trước tuần thứ 28.
- Từ tuần 30 – 32 của thai kỳ: Những bất thường xuất hiện muộn như bất thường ở động mạch, tim và một vùng cấu trúc não sẽ được bác sĩ siêu âm phát hiện ở thời điểm siêu âm này. Thời điểm nay, khi siêu âm bác sĩ còn kiểm tra dây rốn xem nó còn đủ tốt để vận chuyển dinh dưỡng nuôi bào thai hay không, vị trí của nhau thai và tình trạng nước ối (đục hay trong, nhiều hay ít) cũng được bác sĩ kiểm tra trong lần siêu âm này.
Đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, đau đầu khi mang thai, chảy máu âm đạo… là các căn bệnh rất nguy hiểm với sức khỏe của chị em nếu không được phát hiện kịp thời. Vì vậy, các chị em hãy lên lịch khám sức khỏe định kỳ khi mang thai để phát hiện sớm bệnh nếu mắc. Ngoài ra, chị em cũng nên cập nhật lịch tiêm phòng khi mang thai, trong đó có tiêm phòng cúm và uốn ván là 2 mũi tiêm quan trọng với bà bầu.
3, Chế độ dinh dưỡng khi mang thai
Do chưa có kinh nghiệm nên các chị em sẽ rất lo lắng không biết nên ăn gì để tốt cho thai nhi. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, trong thời gian mang thai, bà bầu nên ăn uống đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, nhất là vitamin và các loại khoáng chất. Đặc biệt, trong từng giai đoạn của thai kỳ, nhu cầu dinh dưỡng cho bà bầu sẽ có xu hướng thay đổi cho phù hợp với sự phát triển của bé. Chẳng hạn, trong 3 tháng đầu, bà bầu cần đặc biệt bổ sung axit folic và vitamin B12 để chống dị tật ống não cho trẻ. Trong khi đó, 3 tháng giữa và cuối thai kỳ, nhu cầu dinh dưỡng sẽ xoay quanh các thực phẩm giàu canxi và sắt. Thực phẩm giàu chất béo cũng rất quan trọng trong thai kỳ, có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành và phát triển các tế bào não, giúp thai nhi phát triển trí thông minh ngay từ trong bụng mẹ.
Dưới đây là những dưỡng chất bà bầu cần bổ sung trong quá trình mang thai là:
Tên dưỡng chất | Vai trò | Nguồn thực phẩm |
Protein | Phát triển tế bào | Thịt gia cầm, cá, ngũ cốc, trứng, các loại hạt họ nhà đậu… |
Carbohydrates | Sản xuất năng lượng | Bánh mì, ngũ cốc, gạo, khoai tây, mì, trái cây, các loại rau |
Canxi | Cấu tạo xương và răng, tăng cường sức mạnh cơ bắp, chức năng thần kinh | Sữa, phô mai, sữa chua, cá trích, cá hồi nguyên xương, rau dền… |
Sắt | Cấu tạo tế bào màu đỏ | Thịt nạc đỏ, rau dền, ngũ cốc, hạt bí đỏ, bơ đậu phộng, hào |
Vitamin A | Cải thiện tầm nhìn, cho làn da khỏe, phát triển xương | Cà rốt, khoai lang, các loại rau lá xanh thẫm |
Vitamin C | Làm răng lợi khỏe, hỗ trợ cho việc tiêu hóa chất sắt | Các loại quả thuộc họ cam chanh, khoai tây, súp lơ xanh |
Vitamin B6 | Cấu tạo tế bào máu đỏ, giúp chuyển hóa tốt chất đạm, chất béo và carbohydrates | Thịt heo, ngũ cốc nguyên hạt, chuối |
Vitamin B12 | Cấu tạo tế bào máu đỏ, duy trì hoạt động của hệ thần kinh | Thịt, cá, gia cầm, sữa (Nếu ăn chay mà không uống sữa, bạn cần uống bổ sung vitamin B12) |
Vitamin D | Cho răng và xương khỏe, hỗ trợ hấp thụ canxi | Sữa và các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc, bánh mì và ánh nắng mặt trời |
Axít Folic | Giúp sản xuất máu và protein, hỗ trợ chức năng của các enzyme, phòng dị tật thai nhi | Rau lá xanh, các loại quả màu vàng sậm, đậu, đậu hà lan, các loạt hạt |
Chất béo | Dự trữ năng lượng cho cơ thể | Thịt, sữa nguyên kem, các loại hạt, bơ đậu phộng, dầu thực vật (Chất béo chỉ nên chiếm tối đa là 30% lượng năng lượng hấp thu mỗi ngày) |
Trong 3 tháng đầu, các chị em sẽ đối mặt với những cơn ốm nghén hành hạ. Để khắc phục tình trạng này, các chị em nên áp dụng phương pháp sau:
- Tránh để bụng rỗng: nên ăn các bữa nhỏ, ăn nhiều bữa mỗi ngày.
- Không uống trong khi ăn, nên uống (nước, sữa, nước hoa quả…) trong thời gian chờ giữa bữa ăn này với bữa ăn khác.
- Không sử dụng các loại thực phẩm có mùi, các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ nướng, rán, chiên xào…
- Các loại thực phẩm có thể giúp giảm nghén: quế, húng quế, hạt mùi, bạc hà, chanh, gừng…
Một điều rất quan trọng nữa là trong thời gian mang thai các chị em nên tránh rượu, chất kích thích, các loại cá chứa nhiều thủy ngân, sữa tươi, phô mai chưa tiệt trùng vì chúng có chứa vi khuẩn Listeria không tốt cho bào thai. Bên cạnh đó, thịt xông khói, xúc xích, đồ hộp là những thực phẩm mẹ bầu cũng nên tránh xa vì chúng chứa nhiều natri không hề tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Ngoài ra, mẹ bầu cũng được khuyến cáo là không nên ăn các thực phẩm tái sống, thực phẩm dọa sảy thai như rau răm, mướp đắng, đu đủ xanh… thực phẩm chứa nhiều phụ gia cùng các chất đường béo.
4, Một số lưu ý cho mẹ mang thai lần đầu
Với những mẹ mang thai lần đầu, cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề trong quá trình mang thai sau để tránh xảy ra những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của mình:
- Các chị em cần tránh cảm cúm hoặc ốm đau nặng phải uống nhiều thuốc và tiêm nhiều kháng sinh. Nếu bị cảm, hãy dùng các liệu pháp tự nhiên, chẳng hạn như lấy khăn ẩm ướt đắp quanh vùng trán, ăn một chút cháo gà, vì trong gà có chứa nhiều chất kháng khuẩn. Hoặc cũng có thể ăn uống nhiều thực phẩm cam, chanh, bưởi. Đặc biệt không được tự tiện uống thuốc, dù là bất cứ loại thuốc nào nếu không có sự chỉ định của bác sĩ. Bởi chỉ cần uống 1 viên thuốc cũng có thể gây hại cho thai nhi, khiến bé có nguy cơ khiếm khuyết, dị tật bẩm sinh rất cao.
- Các chị em cần loại bỏ rượu bia, thuốc lá và các đồ uống có ga, có cồn. Những thói quen uống nhiều rượu bia và hút thuốc có thể làm tăng hàng loạt các nguy cơ như sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân, sảy thai, dị tật bẩm sinh và thai chết lưu.
- Khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện ra những dấu hiệu bất thường về sức khỏe của bản thân và em bé, từ đó có biện pháp khắc phục.
- Nắm rõ những điều cần tránh khi mang thai như đi giày cao gót, xoa bóp bụng, vận động mạnh, làm việc quá sức… Những việc này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe dẫn đến sảy thai, động thai và sinh non.
- Rạn da sẽ xuất hiện vào khoảng tháng thứ 5 của thai kỳ, để chăm sóc tốt nhất cho làn da của mình, ngay từ tháng thứ 4, các chị em có thể dùng dầu dừa hoặc kem dưỡng ẩm chiết xuất từ thiên nhiên để đảm bảo làn da không bị rạn nứt, thâm đen khi mang thai nhé.
- Việc quan hệ tình dục khi mang thai cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Với những bà bầu sức khỏe không tốt, có những bất thường về nước ối, chảy máu âm đạo… cần kiêng kỵ hoàn toàn việc này trong thai kỳ.
- Một số công thức thuốc tổng hợp cho bà bầu có bổ sung cân đối các loại dưỡng chất, nhất là Vitamin B1, B2, B6 như thuốc PM Procare , cũng có tác dụng giảm nghén hiệu quả với nhiều bà bầu, đồng thời chống thiếu hụt các loại dinh dưỡng cơ bản, nhất là trong giai đoạn 3 tháng đầu tiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho thai.
- Các chị em cũng cần học hỏi và tham khảo các kiến thức về chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh như: chế độ dinh dưỡng đảm bảo cho cả mẹ và con; cách cho bé bú sữa mẹ, cách tắm rửa, vệ sinh, phòng chống nhiễm khuẩn các bệnh như viêm phế quản phổi, nhiễm trùng rốn, viêm mắt sơ sinh… Những kiến thức này sẽ giúp ích cho các chị em rất nhiều trong việc chăm sóc bé sau sinh, để các chị em luôn tự tin và lạc quan trước mọi điều sắp tới.
Trên đây là những kinh nghiệm mang thai lần đầu, hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp các mẹ bầu biết được mình nên làm những gì tốt nhất cho sức khỏe của bản thân và em bé. Chúc các mẹ bầu luôn luôn vui vẻ và thông thái nhé!
Quynh says
Sau 1 ngày đi xe khách đường xa về e có dấu hiệu động thai và cảm giác nghén như buồn nôn, dị ứng mùi biến mất. Cho em hỏi như vậy có bất thường k ạ?
Hiển thị trả lời
dinhduongbabau says
Chào bạn Quỳnh,
Đột ngột mất cảm giác nghén là dấu hiệu bất thường, bạn nên tới bác sĩ để được thăm khám cụ thể và được hỗ trợ kịp thời.
Chúc bạn một thai kỳ mạnh khỏe!
Hiển thị trả lời
Huong says
Bs cho em hỏi xí
Hiển thị trả lời
dinhduongbabau says
Chào bạn Hương,
Vui lòng để lại thông tin cần tư vấn tại đây để được chuyên gia giải đáp trong thời gian sớm nhất
Thân ái,
Hiển thị trả lời
Hương says
E bị đau bụng dưới (đau đì) cứ đau râm ran. Còn lúc trước khi gần tới kỳ kinh nguyệt nó chỉ nhói lên thôi. Với ngực căng, đầu ti đau nhức, quầng quanh ti nó sậm màu lại ạ. Vậy có phải dấu hiệu mang thai rồi k ạ
Hiển thị trả lời
dinhduongbabau says
Chào bạn Hương,
Các biểu hiện bạn mô tả là các dấu hiệu điển hình của việc thụ thai. Tuy nhiên, không thể chẩn đoán có thai hay không dựa vào các dấu hiệu đó được bởi nó mang tính chủ quan và dễ nhầm lẫn với các biểu hiện bất thường khác của cơ thể. Để xác định có thai hay không, biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất là dùng que thử thai. Que thử có thể cho kết quả chính xác tới 97% nếu thực hện đúng. Do đó, bạn nên mua một vài que thử về thử xem thế nào bạn nhé! Hoặc bạn cũng có thể đi xét nghiệm máu tìm HCG để chẩn đoán thai sớm.
Chúc bạn mạnh khỏe và sớm có tin vui!
Hiển thị trả lời
Nguyễn hường says
Chuyên gia cho e hỏi e đang có dấu hiệu ngực k còn căng,đi tiểu khó và bụng cảm giác bồn chồn có ảnh hưởng gì đến em bé k ạ
Hiển thị trả lời
dinhduongbabau says
Chào bạn Hường,
Bạn nên tới bác sĩ thăm khám và kiểm tra cụ thể để có được hỗ trợ kịp thời nếu cần bạn nhé!
Chúc bạn một thai kỳ mạnh khỏe!
Hiển thị trả lời
Hoangkieutrang1994@gmail.com says
Em mới mang thai được 1 tháng, nhưng vài hôm gần đây có cảm giác đau dâm dan bụng và lưng, liệu có ảnh hưởng gì không ạ
Hiển thị trả lời
dinhduongbabau says
Chào bạn Kiều Trang,
Ở những tuần đầu tiên của thai kỳ, nhiều mẹ bầu gặp phải hiện tượng đau lâm râm vùng bụng dưới là do phôi thai đang tìm cách làm tổ trong buồng tử cung gây nên. Đó là dấu hiệu bình thường không cần lo lắng. Khi thai lớn hơn bạn có thể đau nhiều hơn một chút do lúc này các dây chằng vùng vụng phải giãn ra, cơ căng lên để nâng đỡ thai nhi ngày một lớn. Đó là hiện tượng sinh lý bình thường, cơn đau này sẽ gặp nhiều hơn khi bạn thay đổi tư thế hay ho mạnh… Tuy nhiên, nếu bạn thấy đau từng cơn, đau dữ dội kèm sốt, mệt mỏi, ra máu, … thì bạn cần đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và điều trị vì đó có thể là dấu hiệu nguy hiểm tới thai kỳ.
Sự gia tăng hormone thai kỳ khiến các dây chằng ở khu vực xương chậu trở nên mềm hơn, những khớp xương cũng lỏng lẻo hơn để đáp ứng nhu cầu lớn lên nhanh chóng của thai nhi và chuẩn bị cho quá trình sinh nở sắp tới. Sự thay đổi ở các khớp xương và quá trình giãn nở của dây chằng làm suy giảm chức năng nâng đỡ lưng thông thường, lưng hông sẽ yếu hơn. Đồng thời thai nhi lớn lên chèn ép vào mạch máu, dây thần kinh khiến bà bầu thường gặp cảm giác đau nhức, tê mỏi, đặc biệt khi giữ một tư thế quá lâu. Hơn nữa, sự tăng cân đáng kể khi mang thai cộng với việc đứng ngồi sai tư thế, tâm lý mệt mỏi, stress, chế độ dinh dưỡng thiếu dưỡng chất, thiếu canxi cũng khiến tình trạng đau lưng – hông trở lên khó chịu hơn.
Để giảm thiểu các hiện tượng đau lưng hông này, bạn nên tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên. Thực hiện tư thế đúng khi hoạt động, làm việc; không nên đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu. Ngoài ra bạn có thể chườm ấm vùng bị đau hay massage nhẹ nhàng cũng giúp giảm cơn đau đáng kể. Tuy nhiên, nếu tình trạng đau trở lên trầm trọng thì bạn nên tới bác sĩ để được thăm khám và giúp đỡ.
Chúc bạn một thai kỳ mạnh khỏe!
Hiển thị trả lời