Chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi là điều khó khăn và bỡ ngỡ nhất với các bà mẹ và đặc biệt là với những người lần đầu tiên làm mẹ. Dưới 1 tháng sau sinh là giai đoạn mà mẹ vẫn còn rất đau và mệt nhưng vẫn phải cho con bú, bế ẵm con, tắm táp và vệ sinh hàng ngày cho bé,… Ngoài ra, mẹ còn phải để ý từng giây từng phút xem con có khỏe không, có khó chịu chỗ nào không? Vì thế, chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi là một việc không hề đơn giản, đầy những khó khăn. Mẹ hãy làm theo những chỉ dẫn dưới đây để có thể vượt qua giai đoạn này thật suôn sẻ!
Nội dung chính
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi
Cho con bú
Ngay từ lúc mới sinh ra mẹ cần cho con bú ngay càng sớm càng tốt để bé có thể hấp thu được nhiều nhất có thể lượng sữa non quý giá. Để bé có thể bú ngon và bú được nhiều mẹ cần cho con bú đúng cách, nghĩa là cho bé ngậm đúng khớp ngậm, tránh để bé chỉ ngậm đầu vú sẽ khiến mẹ dễ bị nứt cổ gà, sưng đau. Bé bú đúng là khi:
- Cằm con cắm sâu vào bầu ngực, đầu ngửa ra sao cho giữa cằm và cổ tạo thành một góc khoảng 1400.
- Miệng bé mở rộng và ngậm sâu vào quầng vú (ngậm nhiều quầng vú dưới hơn quầng vú phía trên), lưỡi con đưa ra phía trước và đè lên nướu dưới.
Cho con bú đúng cách mẹ sẽ không bị đau, không cảm thấy khó chịu khi con bú và bé cũng bám khớp rất chắc.
Trước và sau khi cho con bú mẹ cần vệ sinh đầu ti thật sạch sẽ bằng cách dùng khăn mềm nhúng nước ấm và lau sạch đầu vú, kẽ vú, có thể dùng vài giọt sữa mẹ để bôi trong trường hợp đầu ngực bị khô nẻ.
Với những bà mẹ không đủ sữa hoặc không có sữa cho con bú thì cần phải cho bé ăn sữa ngoài. Công việc này sẽ mất thời gian hơn ở 2 công đoạn pha sữa và vệ sinh bình sữa sạch sẽ. Điều quan trọng nhất là mẹ cần pha sữa đúng theo đúng chỉ dẫn, tuyệt đối không pha thêm nước hoặc pha sữa quá đặc với mong muốn con nhận được nhiều dinh dưỡng hơn – tất cả những điều này đều gây hại không nhỏ cho trẻ. Nhiệt độ pha sữa cũng cần được đảm bảo, không pha sữa bằng nước quá nóng/quá nguội sẽ ảnh hưởng tới hàm lượng dinh dưỡng.
Khi con có biểu hiện đói, muốn ăn bằng một số biểu hiện: ngọ nguậy, chạm vào môi thấy con mở miệng, khóc… thì mẹ cần cho con bú ngay và nên dừng lại khi bé không muốn bú nữa nếu không bé sẽ bị trớ.
Bế ẵm con đúng cách
Thiên thần bé nhỏ xương còn mềm yếu nên mẹ phải cẩn thận khi bế ẵm con. Mẹ nên ôm con sát vào lòng, tay đỡ đầu, lưng và mông con. Mẹ nên vuốt ve, âu yếm, nằm cùng bé để tạo tình cảm, sự gắn kết giữa bạn và bé. Việc vuốt ve, âu yếm, nói chuyện với bé, hát, kể chuyện cho bé nghe sẽ kích thích giác quan của bé phát triển, dần dần bé sẽ hiểu được mẹ đang nói gì, bé mừng vui, cười khi nhìn thấy mẹ.
Khi đặt bé nằm, mẹ lưu ý giường phải phẳng và nệm không quá mềm sẽ ảnh hưởng tới xương của con, không kê gối cao (tốt nhất không nên dùng gối cho trẻ sơ sinh, hoặc chỉ nên dùng vài lớp khăn xô lót dưới đầu con là đủ).
Mẹ có thể học cách quấn tã cho bé để con ngủ ngon, ngủ yên và bớt giật mình vì khi được quấn trong tã, bé sẽ có cảm giác giống với trong tử cung của mẹ hơn.
Một việc làm cần lưu ý mà rất nhiều bậc cha mẹ, ông bà, người thân hay bế xốc con, rung lắc, đung dưa quá mạnh là việc tuyệt đối không nên làm. Bởi những việc làm này có thể khiến trẻ sơ sinh bị dập não, chảy máu não do màng não bé còn mỏng, khoảng trống giữa xương sọ và não chưa được lấp đầy. Ngoài ra, khi bế ẵm mẹ cũng lưu ý đỡ đầu và cổ con vì bé sơ sinh vẫn “nặng đầu” – trọng lượng đầu chiếm tới 25% so với cơ thể, trong khi cổ bé còn rất yếu nên rất dễ tổn thương.
Vệ sinh rốn trẻ đúng cách
Một điều rất quan trọng khi chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi là vệ sinh rốn cho con. Thông thường, phải mất cả tuần, thậm chí đến gần cả tháng rốn của bé mới khô và bắt đầu rụng, do đó mẹ cần vệ sinh cẩn thận đề phòng nhiễm trùng, viêm rốn sẽ rất nguy hiểm. Mẹ cần lưu ý một số điểm sau khi vệ sinh rốn cho bé:
- Rửa tay bằng xà phòng thật sạch rồi lau khô (có thể sát trùng bằng cồn 900 thêm lần nữa).
- Tháo băng rốn và kiểm tra xem có bất thường gì không (mùi lạ, chảy mủ, sưng hay chảy máu,…).
- Dùng bông băng nhúng nước sôi để nguội lau sạch rốn từ chân tới thân rốn, lau bề mặt cuống rốn sau cùng (lưu ý thay bông băng sau khi lau qua từng vị trí) rồi thấm khô bằng bông sạch.
- Sát trùng vùng quanh rốn bằng cồn 70 độ, sau đó để hở hoặc băng lại bằng gạc mỏng. Lưu ý khi quấn tã tránh vùng rốn bé để không gây bí, nóng dễ dẫn đến viêm nhiễm.
Kiểm tra thân nhiệt cho bé thường xuyên
Môi trường trong bụng mẹ bé có một môi trường phát triển rất tốt vì nhiệt độ khá ổn định. Khi ra bên ngoài, nhiệt độ, thời tiết thay đổi thường xuyên lúc nóng, lúc lạnh mẹ cần phải thường xuyên kiểm tra xem bé có bị nóng hay lạnh quá không. Để kiểm tra được mẹ hãy chạm tay vào bụng của bé có thể thấy được bé đang bị nóng hay lạnh.
Khi cho bé ra ngoài cần phải đội mũ, quàng khăn kín cho bé nhất là trong thời tiết lạnh nhưng khi bé ngủ thì mẹ nên bỏ mũ cho con vì trẻ sơ sinh giải phóng nhiệt rất lớn ở vùng đầu, nếu đội mũ kín dễ khiến thân nhiệt con tăng cao và có thể gây hội chứng SIDS (hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh).
Ngoài ra, quần áo của bé nên mềm, thoáng, mỏng để có thể mặc nhiều lớp khi trời lạnh hoặc dễ dàng cởi bớt khi trời nóng.
Trên đây là những kiinh nghiệm chúng tôi chia sẻ để giúp mẹ chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi đúng cách. Mời mẹ theo dõi những bài tiếp theo trên dinhduongbabau.net để có thêm kinh nghiệm, có thêm kiến thức chăm con thật tốt, cũng như biết cách xử lý khi bé ốm sốt, quấy khóc hay gặp những vấn đề khác nhé!