Em chào bác sĩ. Em tên minh thư năm nay 25 tuổi. Em lập gia đình được một năm nhưng lâu nay có kế hoạch nên chưa có em bé ạ. Mới đây em phát hiện mình bị tiểu đường type 2 và chỉ số đường hiện tại là 10.0, em đã chích ngừa đầy đủ để chuẩn bị trươc khi mang thai. Nhưng do phát hiện bệnh nên hiện tại em vẫn chưa thả để có em bé mặc dù em đang rất muốn có con ạ. Vậy trường hợp của em có cách nào để theo dõi và có em bé trong thời gian này không ạ. Mong được bác sĩ tư vấn giúp em. Em cảm ơn ạ
Trả lời
Chào bạn Minh Thư,
Phần lớn bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 đều có thể có con bình thường. Tuy nhiên nếu hiện tại mức đường huyết của bạn cao, không ổn định thì cần điều trị để ổn định lại đường huyết trước khi mang thai. Bởi với những phụ nữ mắc đái tháo đường đang có mức đường máu cao không ổn định thì khả năng bị dị tật thai có thể lên tới 22%.
Việc ổn định đường máu tốt những tháng trước khi mang thai và 3 tháng đầu là rất quan trọng để có được thai lỳ an toàn. Hãy nói với bác sĩ thăm khám trực tiếp về kế hoạch có con để nhận được lời khuyên một cách tốt nhất. Đồng thời bản thân bạn cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực thường xuyên, thay đổi lối sống để kiểm soát đường huyết tốt nhất.
Một số lưu ý trong chế độ ăn nhằm giảm lượng đường huyết bạn có thể tham khảo:
- Nếu có thừa cân thì cần thực hiện giảm cân, nên giảm ít nhất 3-7% so với cân nặng nền.
- Nên dùng các loại carbohydrat hấp thu chậm có nhiều chất xơ, không chà xát kỹ như
gạo lứt, bánh mì đen, nui còn chứa nhiều chất xơ… thay vì các thực phẩm như cơm, bún, phở.
- Đạm khoảng 1-1,5 gam/kg cân nặng/ngày ở người không suy chức năng thận. Nên ăn
cá ít nhất 3 lần/tuần. Người ăn chay trường có thể bổ sung nguồn đạm từ các loại đậu
(đậu phụ, đậu đen, đậu đỏ)
- Nên chú trọng dùng các loại mỡ có chứa acid béo không no một nối đôi hoặc nhiều nối
đôi như dầu ô liu, dầu mè, dầu lạc, mỡ cá. Cần tránh các loại mỡ động vật, mỡ phát sinh khi ăn thức ăn rán, chiên ngập dầu mỡ.
- Giảm muối trong bữa ăn
- Chất xơ ít nhất 15 gam mỗi ngày.
- Các yếu tố vi lượng: nên chú ý bổ xung các yếu tố vi lượng nếu thiếu, thí dụ sắt ở bệnh
nhân ăn chay trường. Dùng Metformin lâu ngày có thể gây thiếu sinh tố B12, nên chú
ý đến tình trạng này nếu bệnh nhân có thiếu máu hoặc triệu chứng bệnh lý thần kinh
ngoại vi.
- Hạn chế uống rượu, ngưng hút thuốc.
- Các chất tạo vị ngọt: hạn chế đến mức tối thiểu.
Như vậy, bên cạnh thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt thì bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ thăm khám trực tiếp trước khi có thai để nhận được hỗ trợ phù hơp, kịp thời nếu cần bạn nhé!
Chúc bạn mạnh khỏe và sớm có tin vui!