Một người bình thường nếu đau bụng đi ngoài hay bị tiêu chảy thì có thể dễ dàng xử lý bằng cách mua thuốc chữa đau bụng uống. Nhưng đối với bà bầu thì không thể áp dụng cách này, một phần là không phải loại thuốc nào bà bầu cũng được sử dụng, phần khác là cần xác định đúng nguyên nhân dẫn đến đi ngoài mới ngăn ngừa tình trạng này tái phát được. Để hiểu rõ hơn vấn đề đau bụng đi ngoài, tiêu chảy khi mang thai, các mẹ có thể tham khảo thêm thông tin ở dưới đây.
Nội dung chính
Tại sao bà bầu bị tiêu chảy, đau bụng đi ngoài?
Có một số mối liên hệ giữa mang thai và tiêu chảy. Vì vậy, mẹ cũng không cần quá ngạc nhiên nếu trước đây bụng dạ mình rất tốt, nhưng từ lúc mang bầu lại dễ đau bụng đi ngoài hơn nhiều.
Chế độ dinh dưỡng thay đổi khi mang thai. Khi có con, mẹ sẽ chú tâm đến bản thân và điều chỉnh để có chế độ ăn uống hợp lý nhằm đảm bảo bé có thể nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết. Điều này đôi khi có thể gây đau bụng đi ngoài do sự thay đổi thực phẩm hấp thụ khiến bụng và dạ dày khó chịu.
Nhạy cảm hơn với thức ăn. Nhiều mẹ sẽ có cảm giác một số món trước đây mình vẫn ăn bình thường nhưng giờ ăn vào lại gây khó tiêu, đầy chướng hoặc đi ngoài.
Tiêu chảy vì không dung nạp Lactose. Uống sửa bổ sung dinh dưỡng khi mang thai là điều cần thiết. Tuy nhiên, do cơ thể bị thiếu hay mất men latoza (để hấp thụ đường lactose) và hậu quả là gây tiêu chảy. Mẹ có thể cắt sữa trong vài ngày để giảm đi ngoài, nhưng mẹ đừng quên dùng các nguồn canxi khác như phô mai và sữa chua nhé.
Thay đổi hormone khi mang thai. Các hormone như estrogen, progesterone và Gonadotropin thay đổi sẽ tác động đến hệ tiêu hóa gây buồn nôn, ói mửa hoặc tiêu chảy. Tình trạng này thường xảy ra trong giai đoạn đầu thai kỳ.
Một số nguyên nhân khác làm bà bầu bị tiêu chảy, đau bụng đi ngoài:
-
- Ngộ độc thực phẩm trong thai kỳ
- Rối loạn tiêu hóa do nhóm các virus gây nôn mửa và tiêu chảy
- Ký sinh trùng đường ruột
- Hội chứng Crohn
- Hội chứng ruột kích thích
- Một số loại thuốc
- Bệnh viêm loét đại tràng
- Bệnh Celiac
- Hiện tượng tiêu chảy ở tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ (một trong những dấu hiệu sắp sinh thường gặp)
Bà bầu nên làm gì khi bị tiêu chảy, đau bụng đi ngoài
Tình trạng tiêu chảy, đau bụng đi ngoài khi mang thai không hiếm gặp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng điều cần quan tâm chính là giữ được nước trong cơ thể, sau đó mới xác định nguyên nhân gây đi ngoài và xử lý. Đi ngoài không phải là vấn đề nguy hiểm, nhưng mất nước thì rất nghiêm trọng có thể gây chết người. Mẹ cần chắc rằng mình bổ sung đủ lượng nước cần thiết. Một số các như uống nhiều nước lọc, nước trái cây, nước canh rau có thể giúp mẹ bù lượng nước và các chất điện phân mà cơ thể mẹ bị hao hụt do đi ngoài.
Hầu hết các trường hợp tiêu chảy, đau bụng đi ngoài sẽ tự hết trong một vài ngày. Nhưng nếu bà bầu bị tiêu chảy kéo dài, không tự hết thì mẹ nên đến bác sĩ kiểm tra và xác định nguyên nhân chính xác. Nếu là do vi khuẩn hoặc kí sinh trùng mẹ có thể cần dùng kháng sinh.
Mẹ có thể bù nước và điện giải bằng Oresol. Đây là cách đơn giản nhất nhưng mẹ vẫn nên nhờ bác sĩ kê đơn và đọc kỹ hướng dẫn cách dùng, liều lượng của thuốc oresol để đảm bảo dùng đúng thuốc, đúng liều lượng để tránh gây tác động ngược lại.
Ngoài ra, mẹ bầu nên kiểm tra lại các loại thuốc, vitamin tổng hợp mình đang dùng. Một số loại thuốc có thể gây tiêu chảy, mẹ nên nhờ bác sĩ tư vấn nếu gặp các vấn đề khi sử dụng thuốc. Bổ sung vitamin tổng hợp cho bà bầu rất tốt cho thai kỳ, tuy nhiên nếu dùng không hợp có thể khiến dạ dày mẹ khó chịu, chướng bụng và gây tiêu chảy.
Một số thay đổi về chế độ dinh dưỡng giúp mẹ bầu giảm đi ngoài, tiêu chảy:
Tạm thời cắt bỏ hoàn toàn thực phẩm cay chiên, chất béo cao, nhiều chất ngọt. Nếu mẹ bị bệnh lý như viêm đại tràng mãn, thiếu lactoza,… mẹ nên kiêng sữa và dùng các thực phầm khác để bổ sung canxi như pho mát, sữa chữa,…
Ngoài ra mẹ nên thêm vào chế độ ăn những thực phẩm lành mạnh, các món ăn được chế biến tốt cho sức khỏe, bao gồm: Các loại rau củ như cà rốt nấu chín; các thức ăn tinh bột như ngũ cốc, bánh quy và khoai tây; thịt nạc; cháo gạo, soup mì hay nui kèm rau; sữa chua
Khi nào bà bầu cần phải đi khám bác sĩ?
Tiêu chảy kéo dài sẽ dẫn đến mất nước nghiêm trọng, gây biến chứng nguy hiểm đến thai kỳ. Một số dấu hiệu cho thấy cơ thể bị mất nước: Nước tiểu sậm màu, miệng khô, khát nước liên tục, són tiểu, đau đầu, chóng mặt.
Nếu mẹ bị tiêu chảy hơn 2 ngày hoặc có các dấu hiệu mất nước, mẹ nên đến bệnh viện để kiểm tra. Ngoài ra, nên theo dõi các triệu chứng dưới đây có thể xảy ra cùng với tiêu chảy khi mang thai:
- Đau bụng nhiều
- Chất nhờn (đàm) hoặc máu trong phân
- Đau đầu nghiêm trọng
- Nôn mửa nặng
- Sốt trên 37,8 độ C (100 độ F)
- Tiểu ít
- Tim đập nhanh
Cách ngăn ngừa tình trạng bà bầu bị tiêu chảy đau bụng đi ngoài
Trước tiên, bạn cần tìm hiểu rõ nguyên nhân khiến mình bị đau bụng. Điều đó sẽ giúp bạn giải quyết tận gốc nguyên nhân làm bạn bị đi ngoài. Chẳng hạn nếu bà bầu có hệ tiêu hóa nhạy cảm và yếu, cần tránh thực phẩm cay, các đồ khó tiêu chứa nhiều chất béo, dầu mỡ. Còn nếu bà bầu mắc dứng không dung nạp đường lactose thì cần giảm lượng sữa tiêu thụ và thay bằng các nguồn canxi khác. Trường hợp mẹ bầu bị nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn, có thể bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh, nếu do virus thường điều trị triệu chứng,….
Một số cách giúp mẹ bầu ngăn ngừa tiêu chảy:
- Thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Ăn chín, uống sôi. Rửa tay trước và sau ăn.
- Hạn chế các loại thực phẩm khó tiêu, có thể gây đầy chướng như món ăn nhiều gia vị hoặc giàu chất béo.
- Tránh đường, thức uống có gas và thức uống đóng chai nhiều đường và phẩm màu.
- Không tiêu thụ cà phê, trà, nước ép nho và các loại nước uống tăng lực công nghiệp khác.
Tiêu chảy, đau bụng đi ngoài thường xảy ra trong thai kỳ nên mẹ bầu không cần quá lo lắng khi gặp tình trạng này. Hãy đảm bảo mình bổ sung đủ nước và bình tĩnh tìm hiểu rõ nguyên nhân để có cách xử lý phù hợp nhất là sẽ ổn cả thôi mẹ nhé!