Tiền sản giật là một rối loạn phức tạp thường xảy ra ở phụ nữ mang thai với tỷ lệ 3-7%. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể gây biến chứng và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể như gan, tim, thận… gây nguy hiểm, thậm chí tử vong cho cả mẹ và bé. Vì vậy làm thế nào để phòng ngừa tiền sản giật luôn là câu hỏi được các chị em quan tâm nhất!
Ảnh minh họa: Chủ động khám thai để phòng ngừa tiền sản giật
Nội dung chính
1, Nguyên nhân gây ra tiền sản giật
Nguyên nhân cụ thể nào gây ra tiền sản giật đến nay vẫn chưa được biết chính xác. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đã ghi nhận một số yếu tố có thể góp phần trong sự xuất hiện của tiền sản giật là:
- Cá nhân hoặc gia đình có tiền sản giật.
- Mang thai con so, lần đầu.
- Mang thai khi còn quá trẻ hoặc đã ngoài 40.
- Mang song thai hoặc đa thai.
- Có tiền sử vị cao huyết áp và mắc một số bệnh lý như tiểu đường, bệnh thận, thừa cân, béo phì
- Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn
Đọc tiếp: Tiền sản giật là gì?
2, Dấu hiệu của bệnh tiền sản giật
Tiền sản giật có thể đến đột ngột, vì vậy các chị em cần biết rõ các triệu chứng để sớm phát hiện và điều trị kịp thời. Khi thấy xuất hiện các triệu chứng dưới đây cần đến ngay các trung tâm y tế để kiểm tra và xử lý nhanh chóng:
- Bị phù ở mặt hoặc sưng húp quanh mắt, sưng phù bàn tay, sưng đột ngột hoặc sưng nặng ở bàn chân/mắt cá chân
- Tăng cân nhanh đột ngột
- Đau đầu dai dẳng kèm nôn mửa
- Mắt mờ, không nhìn rõ hoặc mất thị lực tạm thời
- Nước tiểu thừa chất đạm
- Huyết áp tăng
3, Phòng ngừa tiền sản giật thế nào?
Hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa chắc chắn vì sao tiền sản giật phát triển. Do đó mà việc ngăn chặn và điều trị là hết sức khó khăn. Vì vậy việc phòng tránh tiền sản giật cần được quan tâm chú ý ngay từ khi người mẹ bắt đầu trong giai đoạn thai kỳ:
Chủ động khám tiền sản giật:
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thành Vinh – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ về vấn đề tiền sản giật với bà bầu:
- Để phòng ngừa tiền sản giật khi mang thai, các chị em nên đến các bệnh viện, trung tâm y tế để khám thai thường xuyên. Đặc biệt cần phải tuân thủ đúng lịch hẹn khám thai để có thể đo tình trạng huyết áp, chất đạm trong nước tiểu nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh tiền sản giật.
- Những chị em có con muộn (ngoài 35 – 36 tuổi), trước khi mang thai từng bị cao huyết áp, hoặc trong gia đình có người từng mắc tiền sản giật thì cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được tư vấn cẩn thận.
- Bên cạnh đó, các chị em cần nhận thức được những triệu chứng của tiền sản giật để nhanh chóng thông báo với bác sĩ và được điều trị càng sớm càng tốt. Bởi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì cả mẹ và bé có thể bị đột quỵ, phù phổi cấp, hôn mê sâu và nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong do biến chứng sản giật gây ra.
- Ngoài ra, các chị em cũng nên đến các phòng khám, bệnh viện để được các bác sĩ cho lời khuyên về chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt hợp lí nhất.
Chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý:
Ảnh minh họa: Chế độ dinh dưỡng phòng ngừa tiền sản giật
Ăn uống trước khi mang thai hợp lý sẽ đem lại sức khỏe tốt cho người mẹ và giảm nguy cơ mắc các bệnh trong quá trình mang thai như: tiền sản giật, tiểu đường… Các chị em cần thay đổi chế độ ăn uống, tuyệt đối không nên ăn thức ăn mặn (ăn nhạt để hạn chế phù nề, loại trừ được khả năng mắc bệnh). Đồng thời tập thể dục đều đặn, thường xuyên để giúp giảm cân, tránh béo phì. Một số lưu ý sau sẽ giúp các chị em có chế độ dinh dưỡng cân bằng và tránh được nguy cơ tiền sản giật là:
- Chất đạm: Nên ăn khoảng 85 -100g protein mỗi ngày. Những thực phẩm giàu protein là đậu đỗ, sữa, các sản phẩm từ sữa như phômai, bơ, trứng, thịt, lúa mì…
- Magie: Magie có tác dụng giải độc thai nghén. Theo tính toán của các nhà khoa học, tỷ lệ magiê hợp lý cho thai phụ là khoảng 6mg magiê cho 1kg trọng lượng cơ thể. Magiê có nhiều trong các loại rau xanh, chứa nhiều chất diệp lục, lúa mỳ, các loại quả cứng, các loại đậu (đỗ), thịt, hải sản… cũng rất dồi dào magiê. Khi theo thức ăn vào cơ thể, thường chỉ khoảng 30-40% lượng magiê được hấp thu và Vitamin D3 là chất có tác dụng giúp cơ thể hấp thu magiê tốt hơn.
- Canxi không chỉ giúp thai nhi phát triển xương và răng mà còn giúp giảm nguy cơ huyết áp cao cho mẹ. Đặc biệt, chế độ ăn uống giàu canxi có thể giúp giảm nguy cơ phát triển chứng tiền sản giật trong giai đoạn thai kỳ và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm của bệnh cho mẹ và bé. Nguồn thực phẩm dồi dào canxi mà các chị em không nên từ chối bao gồm: thịt bò, súp lơ xanh, sữa chua, nước cam, tôm, cua, cá hồi…
- Axit folic: Nghiên cứu cho thấy bổ sung axit folic trước khi mang thai, trong khi mang thai có thể làm giảm nguy cơ phát triển chứng tiền sản giật. Những thực phẩm giàu axit folic bao gồm súp lơ xanh, rau bina, cải xoăn, măng tây, thịt bò…
- Vitamin C: Theo nghiên cứu của các nhà khoa học cho biết, những thai phụ mỗi ngày dung nạp khá ít vitamin C từ thực phẩm thì mức vitamin C trong máu cũng rất thấp, tỷ lệ phát sinh ra tiền sản giật ở họ cũng cao gấp 2 – 3 lần so với thai phụ mạnh khoẻ. Do đó, để ngăn ngừa tiền sản giật, các chị em nên chú ý bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin C vào khẩu phần ăn hàng ngày như: Cam, nho, táo, ớt chuông, đu đủ, cải xoăn, dâu tây…
Ngoài ra, trong thời gian mang thai, các chị em cũng nên sắp xếp công việc khoa học, có đủ thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân và giữ một tinh thần thật thoải mái, khỏe mạnh nhé!
Mai Vân
Đỗ Quyên says
Từ lúc thai khoảng 6 tháng, e thường bị giật nhẹ chân hoặc tay hoặc bụng trong khi ngủ. Nay thai e 32 tuần, trong lúc ngủ bụng e bị giật mạnh trong khoảng 5-7 giây. Có đêm giật vài lần. E đi khám thì bác sĩ sản khoa không giải thích được. Tại thời điểm 32 tuần e đã tăng 15 kg ( e gầy) và thai đã 2,1kg. Mỗi lần bị như vậy e rất sợ và không ngủ được. E muốn biết tại sao, e nên làm gì để hạn chế? Và nó có liên quan gì đến tiền sản giật ko ạ? Xin cảm ơn.
Hiển thị trả lời
dinhduongbabau says
Chào bạn Đỗ Quyên,
Ở thời điểm 32 tuần mà tăng 15kg là khá nhiều, với mức tăng cân nhanh như vậy bạn nên đi xét nghiệm đường huyết để tầm soát tiểu đường thai kỳ.
Khi mang thai cơ thể có nhiều thay đổi, và không phải tất cả những thay đổi này đều có thể giải thích rõ ràng được. Quan trọng là những thay đổi bất thường đó đã được các bác sĩ theo dõi và kiểm soát thì bạn không cần lo lắng. Tâm lý lo lắng, bất an có thể khiến tình trạng nặng lên và ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi.
Tiền sản giật được xác định khi có 3 dấu hiệu là Phù, tăng huyết áp và có Protein trong nước tiểu. Bạn cần được bác sĩ thăm khám trực tiếp và làm xét nghiệm mới chuẩn đoán được bạn nhé!
Chúc bạn một thai kỳ mạnh khỏe!
Hiển thị trả lời