Tại TP HCM đã có người tử vong vì cúm A/H1N1 và một người khác đang nguy kịch, trong khi bệnh này khá phổ biến và ổ bệnh vừa xuất hiện ngay trong cơ sở y tế.
Hai trường hợp tử vong và nguy kịch vì cúm A/H1N1 đang gióng lên hồi chuông báo động về mức độ nguy hiểm của loại cúm mùa này trước sự chủ quan, thờ ơ của cộng đồng.
Thờ ơ là mất mạng
Trường hợp tử vong vì cúm A/H1N1 là cô gái 26 tuổi ngụ quận Thủ Đức, TP HCM.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM ngày 8/6 cho biết người phụ nữ làm nghề nội trợ, thể trạng béo phì, tử vong ngày 30/5. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1.
Đây là người Sài Gòn đầu tiên tử vong do cúm A/H1N1 trong năm nay. Qua 8 ngày giám sát, ngành y tế không phát hiện ca bệnh cúm khác tại nơi người này cư ngụ cũng như ở các bệnh viện đã chăm sóc điều trị bệnh nhân.
Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đang điều trị cho nam bệnh nhân 49 tuổi bị suy hô hấp vì cúm A/H1N1. Bệnh nhân cư ngụ tỉnh Bình Thuận, làm nghề tài xế, bị tiểu đường type 2, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng sau 8 ngày tự điều trị tại nhà. Mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP HCM cho kết quả dương tính cúm A/H1N1.
Theo ông Dũng, kết quả bước đầu ghi nhận đây là hai bệnh nhân cúm H1N1 trên nền nguy cơ diễn tiến nặng là béo phì, tiểu đường. Cả hai không có mối liên hệ dịch tễ với nhau. Nguồn lây của bệnh nhân là từ cộng đồng, không phải từ bệnh viện. Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM đã phối hợp với Viện Pasteur điều tra dịch tễ và triển khai các biện pháp giám sát lây nhiễm tại bệnh viện cũng như cộng đồng.
Bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là nhóm thuộc nguy cơ cao như trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người béo phì, người có bệnh mạn tính, cần chủ động phòng nhiễm bệnh cúm. Nên tiêm văcxin chủng ngừa bệnh, vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh viêm hô hấp. Nếu có triệu chứng sốt và ho, hắt hơi, sổ mũi… cần đi khám bệnh tại các cơ sở y tế để được điều trị, không tự ý mua thuốc điều trị để tránh những diễn biến đáng tiếc.
Trước đó sáng 1/6, một nữ bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật nội soi cắt tử cung tại Bệnh viện Từ Dũ đã phải hoãn mổ vì sốt. Đến 15h cùng ngày, nhiều bệnh nhân, thân nhân, nhân viên y tế tại khoa đồng loạt bị sốt cao, có triệu chứng sốt, đau mỏi cơ. Kết quả xét nghiệm cho thấy 16 trường hợp dương tính với cúm H1N1. Nguồn lây bệnh chính là nữ bệnh nhân hoãn mổ buổi sáng. Có 83 bệnh nhân khám và điều trị tại khu nội soi, cùng nhân viên y tế nghi ngờ có tiếp xúc với các bệnh nhân được cách ly. Bệnh viện Từ Dũ phải tạm đóng cửa khoa nội soi 3 ngày, tiến hành khử khuẩn toàn bệnh viện. Hiện ổ dịch cúm nơi này đã được kiểm soát.
Rất dễ lây lan
Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cảnh báo cúm A/H1N1 lây nhiễm rất cao và lan nhanh trong cộng đồng. Virus cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống 24-48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang… Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi tiếp xúc trực tiếp người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ, BV…
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chủng cúm A/H1N1 được coi là cúm đại dịch nhưng nay được xếp vào nhóm cúm mùa thông thường, giống như các chủng virus cúm B, cúm A/H3N2. Bệnh xảy ra trên toàn cầu với tỉ lệ ước tính 5%-10% người lớn và 20%-30% trẻ em. Tại Việt Nam, trong 10 năm gần đây, hằng năm đều ghi nhận từ 1-1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, nguyên nhân chủ yếu là do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 và cúm B.
Trong khi các chủng cúm mùa (B, H3N2) chỉ tấn công vào các tế bào thuộc phần trên của hệ hô hấp thì cúm A/H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Người mang virus cúm A/H1N1 có khả năng truyền virus cho những người xung quanh trong thời gian 1-7 ngày kể từ khi có triệu chứng của bệnh.
PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, dẫn kết quả giám sát viêm đường hô hấp cấp tính tại khu vực miền Bắc gần 3 tháng đầu năm 2018 cho thấy 34% mẫu dương tính với virus cúm mùa, trong đó chủ yếu là cúm A/H1N1, tiếp đến là cúm B và A/H3N2. Trước đây, cúm thường gia tăng vào mùa đông xuân nhưng nay bùng phát quanh năm, nhất là các tháng mùa xuân – hè.
“Hiện nay, các yếu tố như mật độ dân số cao, điều kiện sống chật chội, mức độ giao lưu, tiếp xúc lớn, tỉ lệ sử dụng vắc- xin phòng bệnh cúm rất thấp trong cộng đồng cũng như ý thức phòng bệnh của người dân còn hạn chế… rất thuận lợi để dịch cúm mùa lây lan. Trên thế giới, dịch cúm đang gia tăng tại nhiều nước, trong đó có châu Á” – PGS Dương nhấn mạnh.
Theo: suckhoe.vnexpress.net
Lan Anh says
May quá 2 mẹ con vừa tiêm cúm xong
Hiển thị trả lời