Em sinh đã được 7 tháng. Kể từ sau khi sinh, em đi tiêu ra máu tươi hai lần và thấy đau rát, khó chịu ở hậu môn. Khoảng 1 tuần trở lại đây, em thấy ở hậu môn có lồi ra mẩu thịt bằng hạt đậu tương, đôi lúc thấy ngứa, nóng và rát, những lần đi vệ sinh không rặn nhưng vẫn thấy nó sa ra. Có phải em đã bị bệnh trĩ không? Xin bác sĩ tư vấn giúp em nên điều trị như thế nào vì em còn đang cho con bú.
Minh Thùy, Hải Phòng
Bác sĩ Trần Kim Anh: Theo như bạn mô tả thì các biểu hiện đại tiện ra máu tươi, đau rát hậu môn đó là do bệnh trĩ. Tôi xin tóm tắt ngắn gọn là bệnh trĩ có 2 loại: trĩ nội và trĩ ngoại. Bệnh trĩ có 4 mức độ, từ độ 1 là nhẹ nhất đến độ 4 là nặng nhất. Bệnh trĩ không phải là bệnh nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không điều trị thì bệnh sẽ nặng hơn, vì vậy cần biết cách phòng ngừa để bệnh không xảy ra, nếu đã xảy ra thì cần biết cách để bệnh thuyên giảm.Trường hợp của bạn khi đi ngoài, búi trĩ sa ra bằng hạt đậu tương và tự co lên thì thường là trĩ độ 2, nếu sa ra mà không tự co lên được là đã ở độ 3. Để chẩn đoán chính xác và đánh giá được mức độ bệnh, bạn nên đi khám ở bệnh viện, tùy mức độ thực tế của bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn cách điều trị cụ thể. Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị trĩ hiệu quả.
Nếu trĩ ở mức độ nhẹ (độ 1, 2) thì điều trị bằng nội khoa (bằng thuốc Đông y hoặc Tây y) có khả năng lành bệnh cao. Nếu mức độ nặng (độ 3, 4), thì có thể điều trị bằng thủ thuật như thắt hoặc tiêm xơ búi trĩ hoặc cắt trĩ. Hiện tại, bạn vừa trải qua thời gian mang thai và đang cho con bú, đó là yếu tố để bệnh trĩ phát sinh. Vì vậy, bạn nên điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp: không ăn chất cay nóng như tiêu ớt; ăn nhiều rau tươi, quả chín và nhớ uống đủ nước (2 lít/ngày) để không bị táo bón, thì sẽ hạn chế chảy máu khi đi tiêu.
Khi khám và điều trị trĩ ở bệnh viện, bạn chỉ cần nêu rõ với bác sĩ là hiện đang cho con bú. Hiện nay có nhiều cách điều trị bệnh trĩ sau sinh không ảnh hưởng đến việc cho con bú, nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm.
Trước khi mang thai em bị trĩ nội độ 2 do hay bị táo bón. Hiện nay em đang mang thai được 25 tuần. Gần đây nhất em có đi khám lại thì các bác sĩ khuyên là bây giờ chỉ ăn nhiều rau xanh và trái cây chứ không thể can thiệp gì hết, do đang mang thai. Thế nhưng, em vẫn bị táo bón, đau rát hậu môn, và trĩ bị sưng to hơn, bây giờ uống thêm thuốc sắt nên em sợ sẽ nặng hơn nữa. Xin bác sĩ hướng dẫn cho em.
Thu Linh, Hà Nội
Bác sĩ Trần Kim Anh: Bệnh trĩ ở bà bầu là một vấn đề thường gặp phải. Bệnh trĩ có nhiều nguyên nhân gây nên như do táo bón, do hormon thai kỳ là progesterone gây giãn và làm giảm hoạt động của nhu động ruột, do thuốc (bổ sung viên sắt, viên canxi trong thai kỳ), do mệt mỏi và hạn chế vận động. Ngoài ra, do sự phát triển ngày càng lớn của thai, đặc biệt với những mẹ bầu bị trĩ khi mang thai 3 tháng cuối, thai lớn làm gia tăng áp lực lên khung xương chậu, gây sung huyết, làm tình trạng táo bón, và bệnh trĩ trở nên nặng hơn.
Bệnh trĩ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người phụ nữ mang thai, nếu không điều trị có thể dẫn đến biến chứng nặng hơn như chảy máu, sa nghẹt, hoại tử búi trĩ. Ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của thai phụ.
Trường hợp của bạn, thai kỳ đang ở tuần thứ 25, hiện có trĩ và táo bón gây khó chịu, đau rát, sưng hậu môn thì không có chỉ định điều trị bằng thủ thuận hay phẫu thuật loại bỏ búi trĩ, mà thường được khuyên nên điều trị nội khoa, bằng phương pháp bảo tồn.
Để giảm đau rát, sưng nề hậu môn trong đợt trĩ cấp, bạn có thể dùng kem thoa trĩ có nguồn gốc từ thiên nhiên để an toàn trong thời kỳ mang thai, không gây ra tác dụng phụ. Kem co trĩ sẽ giúp bạn giảm đau rát, chảy máu hậu môn, giúp kháng viêm và làm co búi trĩ.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên tập thói quen đi cầu mỗi ngày, điều này giúp hệ tiêu hóa hoạt động đều đặn, ngăn ngừa táo bón và các bệnh trong hệ tiêu hóa.
Ngoài ra bạn cũng nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả… những thực phẩm chứa chất xơ, uống nhiều nước mỗi ngày.
Sau khi đi đại tiện nên rửa hậu môn bằng nước nếu không thể hãy dùng khăn ướt thay vì giấy khô và ngâm hậu môn bằng nước ấm pha muối loãng 15 phút, mỗi ngày 2 lần để chống viêm, chống nhiễm trùng, co búi trĩ tốt hơn.
Thường xuyên vận động thể dục thể thao mỗi ngày lựa chọn những môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, Yoga dành cho bà bầu… tránh ngồi nhiều, đứng lâu gây áp lực lên búi trĩ khiến bệnh nặng hơn.
Từ khi sinh em bé đến lúc bé được 5 tháng, tôi thường xuyên bị táo bón, đi cầu chảy máu nhiều. Một năm nay tình trạng này tưởng hết. Gần đây tôi lại táo bón trở lại, đi cầu ra máu, lòi trĩ ra ngoài, tôi dùng ngón tay đẩy vào nhưng không được. Tôi đã uống các thuốc thực phẩm chức năng nhưng chưa hiệu quả. Tôi không muốn phẫu thuật. Mong các bác sĩ tư vấn cách điều trị hiệu quả nhất mà không phải phẫu thuật. Rất cảm ơn bác sĩ.
Lan Hoàng, Hồ Chí Minh
Bác sĩ Nguyễn Đình Nhân: Trong quá trình mang thai, thai phát triển lớn sẽ đè vào hệ thống mạch máu làm cho máu trở về khó khăn. Đồng thời, phụ nữ có thai thì thiên nhiệt nên bệnh trĩ của bạn vừa do nhiệt huyết ứ vừa do giãn mạch để lại.
Bệnh trĩ của bạn có thể ở cấp độ 3 do búi trĩ lòi ra ngoài mà không tự lên được, phải dùng tay đẩy lên, khi đại tiện thì búi trĩ lòi ra ngoài thấy rõ. Tốt nhất, bạn nên đến khám bác sĩ để có phương pháp xử lý sớm, kịp thời, có thể không phải phẫu thuật. Ngoài ra, bạn cần nên:
– Ăn nhiều rau, hoa quả, tránh táo bón, hạn chế ăn đồ cay nóng, uống đủ nước, có thể dùng thêm nước vừng đen, nước đỗ đen.
– Tập thể dục để nâng khí cơ, tốt nhất bạn nên dùng phương pháp vảy tay vào buổi sáng, tập thóp bụng.
Em nghe nói thai phụ rất dễ bị bệnh trĩ, xin bác sỹ tư vấn giúp cách phòng tránh, em chuẩn bị mang thai lần đầu nên rất lo lắng. Nếu trong lúc mang thai mà bị bệnh trĩ sẽ điều trị, uống thuốc thì có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Thanh Nga, Nghệ An
Dược sĩ Lê Thị Phương: Khi mang thai, rất dễ bị táo bón và bệnh trĩ do: nội tiết thay đổi và chế độ bổ sung sắt, canxi thường gây táo bón cho thai phụ. Táo bón là tác nhân đầu tiên gây nên bệnh trĩ. Ngoài ra, khi thai nhi lớn dần, sẽ gây chèn lên hệ tĩnh mạch trĩ, gây nên bệnh trĩ. Bệnh trĩ ở phụ nữ mang thai đôi khi là bất khả kháng.
Để phòng ngừa bệnh trĩ, đặc biệt là thời gian mang thai, thai phụ nên ăn nhiều rau xanh, quả tươi, uống đủ nước, vận động thể thao nhẹ nhàng, không nên ăn đồ cay nóng. Nếu có biểu hiện táo bón hoặc bệnh trĩ cần chữa trị sớm. Có nhiều cách trị bệnh trĩ cho bà bầu rất an toàn bằng thảo dược, bạn có thể yên tâm.