Thời gian đầu khi mới chào đời, tiếng khóc chính là ngôn ngữ giúp bé nói lên các nhu cầu của mình, là dấu hiệu phản kháng duy nhất của bé về một điều gì đó, như: đói, nóng, lạnh, đau, khó chịu trong cơ thể… Ngoài ra, tiếng khóc còn là phương tiện giúp kết chặt mối liên hệ tình cảm giữa mẹ và em bé. Nhờ tiếng khóc này mẹ sẽ nâng niu, ẵm bồng, dỗ dành và trò chuyện với bé nhiều hơn.
Có thể nói khóc là một phần quan trọng trong cơ chế sinh tồn của trẻ. Đây chính là tín hiệu quan trọng mà các bậc phụ huynh phải chú ý để đáp ứng nhanh chóng những nhu cầu của bé. Vậy đâu là những nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc? Và làm thế nào để bé hết khóc? Ban biên tập xin gửi đến các mẹ một số tuyệt chiêu xử trí khi bé khóc:
Nội dung chính
1, Bé khóc do đói
Trong những tháng đầu đời, lý do thường làm bé khóc nhất là đói. Bé thường khóc hoài, dai dẳng và ít khi chịu nín nếu mẹ chưa cho bé bú. Mẹ nên quan sát các dấu hiệu cho biết bé đói trước khi bé sắp khóc, chẳng hạn như bé tìm kiếm, mút ngón tay, liếm mép, miệng nhóp nhép… thậm chí dang tay ra và ôm vào ngang ngực liên tục.
Giải pháp ở đây: Cho bú là cách dỗ bé hiệu quả nhất, cho dù việc đó có nghĩa là mẹ phải cho bú nhiều cữ ban ngày và ban đêm. Nếu bé bú bình và bú ngốn ngấu với những khoảng cách ngắn giữa hai cữ, mẹ hãy thử cho bé uống nước đun sôi để nguội đựng trong bình tiệt trùng. Có thể bé khóc vì khát nước, nếu lúc đó thời tiết quá nóng bức.
2, Bé khóc do muốn được quan tâm, vỗ về
Sau khi no bụng, mẹ vẫn thắc mắc không hiểu vì sao con lại khóc. Nhiều khi chỉ cần được tiếp xúc, âu yếm với mẹ là bé sẽ lắng dịu và nín khóc. Chuyển bé từ người này qua người khác, thay tã khi không cần phải thay, đã bú no rồi còn cho bú tiếp, bàn tán về tiếng khóc của bé… tất cả đều khiến bé khó chịu và khóc to hơn.
Nguyên nhân là do trẻ cần rất nhiều sự âu yếm. Trẻ muốn được nhìn thấy mặt cha mẹ, được nghe giọng nói, lắng nghe nhịp tim và đặc biệt là trẻ có thể nhận ra những mùi của riêng của cha mẹ. Khóc có thể là cách trẻ đòi được bố mẹ ôm, âu yếm và thể hiện sự quan tâm. Có thể bé chỉ cần vài phút yên tĩnh được ở cùng cha mẹ, được ôm ấp hoặc nghe vài điệu “ầu ơ cò lả” là có thể đi dần vào trong giấc ngủ một cách dễ dàng.
3, Bé khóc do bực mình
Môi trường xung quanh, nhất là nhiệt độ cũng có thể làm bé khóc. Mẹ hãy kiểm tra xem bé có quá nóng hay quá lạnh không. Nếu bé quá lạnh hãy đắp thêm mền hoặc khăn cho bé. Ngược lại nếu bé quá nóng và mẹ thấy bé ra nhiều mồ hôi thì hãy bỏ bớt mền và nới rộng quần áo ra cho bé. Nhiệt độ phòng lý tưởng cho cả mẹ và bé là 27-29 độ C và thân nhiệt tốt nhất là khoảng 37 độ C. Ánh đèn hoặc ánh nắng chói cũng làm bé khó chịu. Nếu vậy mẹ hãy thay bóng đèn hoặc điều chỉnh vị trí nằm của bé để bé thoải mái hơn.
4, Bé đi ngoài dính tã
Không phải em bé nào khóc cũng do bị tã ướt hoặc dính phân. Tuy nhiên, mẹ nên xem chừng tã của bé, vì để bé bị ướt hay mang tã dính phân có thể sẽ làm hăm vùng da mỏng manh, nhạy cảm này. Nếu bé bị hăm tã, mẹ hãy lau sạch cho bé, thoa kem chống hăm và để mông bé khô thoáng.
5, Bé khóc do đau, bệnh
Bé có thể khóc vì bệnh, đặc biệt khi bé khóc với tiếng khóc khác thường, dù bệnh không nặng lắm. Mẹ hãy tùy từng trường hợp cụ thể mà xử trí để giúp bé nín khóc.
Nếu bé bị nghẹt mũi, bác sĩ có thể kê toa thuốc nhỏ mũi để bé dễ thở hơn.
Đau bụng cũng là một nguyên nhân thường gặp do đường ruột của bé phát triển chưa thành thục, một số đoạn ruột chưa điều chỉnh nhuần nhuyễn khi xử lý thức ăn, dẫn đến hiện tượng đau bụng. Với tình huống này, cơn khóc thường mang tính bột phát, có khi khóc lớn đến khan cả tiếng, thậm chí khóc đến đỏ cả mặt. Đi kèm đó là các hiện tượng: Trướng bụng, hai tay nắm chặt, hai chân có thể co chặt lại, bàn tay và bàn chân thường lạnh toát. Mẹ nên có các biện pháp như xoa nhẹ vùng bụng cho bé để giúp bé tiêu hóa tốt và cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên nếu sau khi âu yếm, xoa bụng mà bé vẫn khóc mẹ không nên chần chừ mà hãy đưa bé đến bệnh viện ngay.
6, Bé khóc do tâm trạng của cha mẹ
Tâm trạng của cha mẹ có thể là lý do làm cho bé trở nên bất an. Vào những thời điểm như chiều tối hẳn là cha mẹ nào cũng có cảm giác mệt mỏi sau một ngày dài, và khiến tâm trạng trở lên cáu gắt. Do đó cha mẹ cũng nên hiểu rằng bé con nhiều khi chỉ phản ứng lại tâm trạng của cha mẹ, từ đó cha mẹ hãy thấu hiểu và có thái độ bình tĩnh hơn với bé.
7, Bé khóc do mọc răng
Khi mọc răng, trẻ thường sốt, khó chịu, cảm thấy đau nhức và quấy rất nhiều. Sau đó, các triệu chứng có thể tự khỏi khi răng bé nhú lên. Một số dấu hiệu giúp mẹ phát hiện bé đang mọc răng là:
- Có mảng đỏ ở nướu răng và niêm mạc má vùng răng sắp mọc
- Bé thích mút tay và chảy nước dãi nhiều
- Bé cảm thấy rất đau, ngứa và hay cắn các đồ vật
- Sưng nướu
- Bé thường bỏ ăn, bứt rứt, khó chịu trong người
Mẹ có thể giúp bé giảm các triệu chứng khó chịu trên bằng cách:
- Rửa ngón tay thật sạch và xoa nhẹ vào vùng nướu răng bị đau
- Dùng vòng ngậm êm nướu để bé thỏa mãn bản năng trẻ con là cho mọi thứ vào miệng, đồng thời làm dịu nướu răng đang đau.
- Cho bé nhai loại bánh quy đặc biệt không đường dành cho trẻ đang mọc răng. Tuy nhiên không nên bỏ mặc để bé tự ăn một mình mà cần theo dõi tránh bé bị hóc và ngạt khi ăn.
Tóm lại có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc. Tuy nhiên, mẹ có thể làm dịu cơn khóc của bé ngay lập tức nếu biết được nguyên nhân khiến con khó chịu. Và khi tìm mọi cách dỗ dành mà bé vẫn không nín hoặc bé khóc kéo dài có kèm theo sốt nữa thì tốt nhất các mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế để được thăm khám nhé!
(Theo Lê Thị Thu Hương – “Bí quyết nuôi dưỡng bé yêu khỏe mạnh”)