Chất lượng dinh dưỡng trong thai kỳ được phản ánh rất rõ qua sức khỏe của bé khi chào đời. Trẻ khỏe mạnh về hô hấp, thần kinh, tiêu hóa chứng tỏ mẹ đã biết chăm sóc đúng cách trong thời kỳ mang thai.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trẻ sơ sinh vừa chào đời đã mắc những bệnh lý có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của con sau này. Thật đáng tiếc là những bệnh lý đó có thể phòng ngừa trước được, nếu mẹ đảm bảo được chế độ dinh dưỡng hợp lý và đầy đủ trong thời kỳ mang thai.
Chương trình GẶP THẦY THUỐC NỔI TIẾNG phát sóng trực tiếp lúc 15h – 16h, Chủ nhật, ngày 18/03/2018 trên kênh JoyFm
Chủ đề: CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG TRONG THAI KỲ
Khách mời: Tiến sĩ, Bác sĩ Đinh Bích Thủy– Trưởng Phòng khám Dịch vụ – Bệnh viện Phụ sản Trung Ương
MC: Ngọc Mai
Đặc biệt bố và mẹ có thể đặt câu hỏi trực tiếp với chuyên gia qua tổng đài 1900 6255
Nếu không có điều kiện đón nghe trực tiếp, bố và mẹ có thể nghe lại tại Video dưới đây:
Nội dung chương trình:
Trước khi bước vào phần trao đổi cùng khách mời chúng tôi xin mời quý vị cùng nghe phần phóng sự của nhóm phóng viên của chương trình thực hiện:
Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu hợp lý để tránh tình trạng mẹ bầu thừa cân, con thiếu cân là điều mà các mẹ bầu cần hết sức quan tâm. Nhiều mẹ bầu cố gắng ăn thật nhiều với tâm lý ăn cho 2 người. Tuy nhiên, sự thật lại dẫn đến mẹ bị thừa cân béo phì trong khi con sinh ra lại thiếu cân thậm chí là suy dinh dưỡng.
Chị Mai Lan ở Ba Đình – Hà Nội sau 3 năm kết hôn mới có tin vui không chỉ vợ chồng chị mà ông bà nội đều tích cực chăm sóc, bồi bổ cho con dâu với quan điểm mẹ ăn gì thì con sẽ được nuôi bằng thứ ấy. Vì vậy mà số cân nặng của chị cứ tăng đều đều mỗi tuần 1kg. Nghĩ rằng đó là dấu hiệu tốt tuy nhiên khi đi khám bác sĩ cho hay: Thai nhi thiếu cân trong khi chị lại tăng vượt số cân quy định. Vợ chồng chị đều cảm thấy vô cùng lo lắng.
Chia sẻ của chị Mai Lan: Em bầu tháng thứ 8 mà cân nặng tăng là 16kg rồi và nó cứ đang tăng dần đều. Bình thường ông bà chăm sóc rất kỹ, tất cả các món ăn thì mọi người cứ nói là ăn vào bổ vào cho con thì em cứ ăn thôi. Và em thì đường ăn tốt và không có nghén ngẩm gì cả. Hôm trước có đi khám bác sĩ nói mẹ thừa cân quá với cả mẹ bị tiểu đường thai kỳ nên em rất lo lắng không biết là như nào vì cũng còn có vài tháng nữa là sinh rồi. Thấy bảo mấy tháng cuối cân nặng lại tăng lên em sẽ cố gắng hãm lại.
Tình trạng bà bầu tăng cân quá mức từ 15 – 25kg sinh con suy dinh dưỡng dưới 2,5kg hiện nay khá phổ biến bởi đa số đều đánh đồng vấn đề cân nặng của mẹ với sức khỏe của thai nhi. Thực tế, thai nhi được cung cấp chất dinh dưỡng từ 3 nguồn: khẩu phần ăn của người mẹ, kho dự trữ dưỡng chất của người mẹ và quá trình tổng hợp chất dinh dưỡng ở nhau thai. Vì vậy, nếu mẹ bị thiếu dinh dưỡng trước và trong thai kỳ sẽ khiến thai nhi bị suy dinh dưỡng. Ngược lại, thai phụ ăn thiếu khoa học, ăn quá nhiều dẫn tới thừa cân nhưng thai nhi không hấp thụ được cũng làm cho đứa trẻ sinh ra bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng.
Quý vị vừa nghe đoạn phóng sự của phóng viên chương trình. Trước khi bước vào phần trao đổi cùng bác sĩ thì Ngọc Mai cũng trân thành cảm ơn nhãn hàng PM Procare của công ty dược phẩm Đông Đô đã đồng hành và tài trợ cho chương trình này. Để được tư vấn về sản phẩm quý vị có thể gọi đến số điện thoại 0903 294 739.
Phần trao đổi cùng bác sĩ
– MC: Nhiều nghiên cứu tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa khẩu phần ăn của mẹ và cân nặng của trẻ sơ sinh, những trường hợp người mẹ thiếu ăn, kiêng khem, ăn uống không đủ chất, không hợp lý thì nguy cơ sinh đứa trẻ nhẹ cân, sức khỏe kém. Vậy theo BS thì chế độ dinh dưỡng khi mang thai có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của thai nhi?
– BS: Chế độ dinh dưỡng của người mẹ khi mang thai rất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi vậy nên chế độ dinh dưỡng của người mẹ khi mang thai phải cao và hài hòa giữa các nhóm chất đạm, đường, bột, béo, vitamin và khoáng chất. Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu rất quan trọng để sinh ra một đứa trẻ khỏe mạnh và có cân nặng hợp lý
– MC: Một số mẹ bầu lo lắng rằng ăn nhiều thì con sẽ to và khó đẻ vậy theo BS thì điều này có đúng không và cân nặng của mẹ khi mang thai có tỷ lệ thuận với cân nặng của trẻ khi sinh ra không ạ?
– BS: Cân nặng của mẹ khi mang thai tỷ lệ thuận với cân nặng của thai nhi là không chính xác, một số bà mẹ ăn nhiều, béo phì nhưng con lại suy dinh dưỡng. Một số bà mẹ khác lại ăn rất nhiều, bị tiểu đường trong thai kỳ thì con lại to quá khiến việc sinh nở gặp khó khăn. Vì vậy khi mang thai các mẹ phải có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh tình trạng tăng cân không hợp lý, bị tiểu đường thai kỳ, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mẹ và thai nhi
– MC: Trọng lượng của thai nhi ít khi vượt quá khả năng sinh của người mẹ, trừ khi người mẹ bị tiểu đường thai kỳ. Theo BS điều này có đúng không ạ?
– BS: Người mẹ bị tiểu đường thai kỳ khiến cân nặng tăng nhanh và cân nặng của thai nhi cũng tăng mạnh gây ảnh hưởng đến việc sinh nở của các mẹ bầu.
– MC: Nhiều mẹ không bị tiểu đường trong thai kỳ thì suy nghĩ rằng sinh con sẽ không khó nên họ sẽ ăn thật nhiều. Vậy theo BS người mẹ đó ăn nhiều, tăng cân nhanh nhưng không bị tiểu đường thai kỳ thì như vậy có tốt cho thai nhi không?
– BS: Thực tế cho thấy những bà mẹ ăn nhiều khiến thai nhi to gây khó khăn cho việc sinh nở vì vậy các mẹ khi mang thai phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý để cân nặng của thai nhi đảm bảo, thuận tiện cho việc sinh nở
– MC: Tình trạng nghén, không ăn, ăn ít, ăn xong là nôn trong những tháng đầu của các mẹ bầu có gây thiếu hụt dinh dưỡng cho thai nhi không thưa BS?
– BS: Tình trạng nôn, buồn nôn trong 3 tháng đầu thai kỳ là hoàn toàn bình thường, các mẹ cần có chế độ ăn hợp lý, nên chia làm nhiều bữa nhỏ, ăn nhiều thực phẩm nhiểu dinh dưỡng. Việc ăn ít và nhịn ăn của các mẹ để đỡ nghén là không hiệu quả. Việc giảm cân trong những tháng đầu thai kỳ không có ảnh hưởng gì lớn, các mẹ sẽ tăng cân vào các tháng sau
– MC: Để thai nhi phát triển toàn diện và mẹ bầu vẫn khỏe mạnh thì các thai phụ nên bổ sung những chất gì trong quá trình mang thai thưa BS?
– BS: Chế độ ăn của các mẹ khi mang thai cần đầy đủ dinh dưỡng, cân đối hợp lý giữa các nhóm chất, không nên ăn quá mặn, quá ngọt, quá nhiều tinh bột, nên ăn các thực phẩm như cá, thịt nạc, rau xanh, bổ sung thêm sắt và canxi trong quá trình mang thai.
– MC: Những mẹ bầu trong 3 tháng đầu nên bổ sung những chất gì và những thực phẩm nào họ cần tránh thưa BS?
– BS: Việc cung cấp vitamin trong 3 tháng đầu rất quan trọng, các mẹ mang thai trong 3 tháng đầu nên bổ sung acid folic, sắt giúp thai nhi khỏe mạnh, tránh các dị tật. Trong quá trình mang thai các mẹ nên tránh các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá.
– MC: BS có những lời khuyên gì cho các mẹ bầu trong 3 tháng cuối thai kỳ ạ?
– BS: Sức khỏe của mẹ bầu trong 3 tháng cuối thai kỳ rất quan trọng, các mẹ cần có sức khỏe tốt để chuẩn bị cho quá trình sinh nở sắp tới. Các mẹ nên bổ sung thêm sữa hoặc các chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua,… Ngoài ra các mẹ có thể ăn thêm các loại hải sản, tôm, cua, cá tăng cường canxi hoặc sử dụng các viên canxi tổng hợp.
– MC: Chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu trong thai kỳ rất quan trọng, đặc biệt hơn là với các mẹ bị tiểu đường, bệnh tuyến giáp, huyết áp cao, tiền sản giật. Vậy BS có những lời khuyên gì cho các trường hợp này ạ?
– BS: Các mẹ bầu trong các trường hợp này cần có chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Với các mẹ tiểu đường thì cần theo dõi đường huyết liên tục, hạn chế ăn các đồ ngọt, tinh bột. Đối với các mẹ bầu bị cao huyết áp, tiền sản giật thì các mẹ cần đi khám thai đều đặn và toàn diện. Chế độ ăn của các mẹ cần giảm mặn, hoặc là phải ăn nhạt
– MC: Nếu chế độ dinh dưỡng của các mẹ trong các trường hợp trên không được kiểm soát tốt thì nó sẽ có những ảnh hưởng gì đến thai nhi ạ?
– BS: Nếu những căn bệnh này không được phát hiện và điều trị sớm thì đều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của hai mẹ con. Nếu mẹ bị tiểu đường thì trẻ sinh ra có thể bị suy hô hấp, hạ đường huyết còn nếu mẹ bị tiền sản giật nếu không có được điều trị thì sẽ gây ra các biến chứng như người mẹ bị sản giật gây ảnh hưởng đến tính mạng của hai mẹ con
– MC: Hầu như các mẹ khi mang thai vẫn tham gia làm việc, như vậy vẫn có những áp lực gây nên đau đầu thường xuyên. Vậy có những thực phẩm, thức ăn nào để cải thiện tình trạng này cho các mẹ bầu thưa BS?
– BS: Các mẹ bầu nên giảm lượng công việc của mình đi, cần phải lựa chọn giữa công việc và đứa con của mình. Các mẹ cần năng vận động, tìm những chỗ có không khí tốt để cả mẹ và thai nhi thư giãn.
Câu hỏi khán thính giả
– Bạn Hương – Phú Thọ: Chào BS, chào chương trình, BS cho em hỏi là em đang mang thai lần đầu được 1 tháng nhưng không ăn uống được gì, hay bị nôn như vậy có ảnh hưởng gì đến sưc khỏe không ạ?
– BS: Người mẹ mang thai lần đầu trong 3 tháng đầu thai kỳ thường bị nghén, điều này hết sức bình thường, bạn nên chia thành nhiều bữa nhỏ ăn trong ngày, có thể ăn đồ ăn hơi lạnh hoặc hơi nguội để giảm cảm giác buồn nôn. Nên ăn các thức ăn lỏng hoặc bánh mỳ để hút bớt dịch dạ dày, hạn chế tình trạng nôn nghén. Ngoài ra bạn có thể uống các viên vitamin tổng hợp. Nếu bạn làm như trên mà vẫn không giảm tình trạng nôn nghén thì bạn nên đến bác sĩ để được tư vấn và kê đơn thuốc làm giảm tình trạng nôn nghén, giúp bạn ăn uống được, tốt cho sức khỏe thai nhi.
– Bạn Hương – Phú Thọ: BS cho em hỏi là vòng ngực và đầu ti của em hơi nhỏ thì có thể cho con bú bằng sữa mẹ được không hay phải dùng sữa ngoài
– BS: Vòng ngực to hay nhỏ không ảnh hưởng đến việc tiết sữa của người mẹ, vú của người mẹ sẽ to dần trong quá trình mang thai, đặc biệt là 3 tháng cuối thai kỳ. Sau sinh bạn phải cho con bú đều và bổ sung dinh dưỡng tốt thì sữa mẹ sẽ về. Đầu ti nhỏ thì không ảnh hưởng và càng tốt khi cho con bú.
– Khán giả gửi thư: Thưa BS tôi mang thai được 34 tuần mà trọng lượng của thai nhi chỉ được 2,15kg, như vậy có nhỏ quá không ạ. Và nếu nhỏ quá thì tôi cần ăn uống như thế nào để tăng trọng lượng thai nhi, mong BS tư vấn giúp tôi?
– BS: Thai 34 tuần mà nặng 2.15kg là không hề nhỏ, khi thai 38 tuần bạn sinh có thể được 2.8kg-3kg. Bạn cứ ăn chế độ dinh dưỡng cân đối, bổ sung thêm sắt, canxi, sữa hàng ngày.
– Bạn Mai – Quảng Ninh: Vợ chồng em đã kết hôn 8 năm và có một con trai 7 tuổi, cách đây 5 năm em có mang thai lần 2 được 8 tuần nhưng điều kiện kinh tế không cho phép nên phải bỏ. Thời điểm này, đã 6 tháng nay em không dùng biện pháp gì nhưng vẫn không mang thai trở lại. BS cho em hỏi như vậy có phải em bị vô sinh thứ phát không ạ?
– BS: Hiếm muộn, vô sinh là tình trạng sau 1 năm mà không có thai dù vẫn quan hệ tình dục bình thường, còn bạn mới có 6 tháng thì chưa gọi là vô sinh. Bạn cần bổ sung dinh dưỡng cho cả hai vợ chồng và quan hệ tình dục đều đặn, nếu sau một năm mà không có thai thì vợ chồng bạn nên đi khám để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp chữa trị phù hợp.
– Bạn Mai – Quảng Ninh: Em có biểu hiện đau thắt lưng, gần giống với biểu hiện tắc vòi trứng, còn chồng em thì hút thuốc lá lại làm việc trong môi trường độc hại, như vậy có ảnh hưởng đến khả năng có con không ạ?
– BS: Điều bạn lo lắng là hoàn toàn đúng, hút thuốc lá sẽ làm giảm khả năng của tinh trùng và làm việc trong môi trường X-quang rất không tốt cho việc sản sinh tinh trùng. Chồng bạn cần đi khám và lấy mẫu tinh trùng xem có còn khả năng để sinh con nữa không. Còn bạn sợ bị tắc vòi trứng cũng là bình thường vì bạn đã một lần phá thai, bạn nên đi khám khi đã sạch kinh 3 – 5 ngày, không nên quan hệ 3 – 5 ngày này để bác sĩ khám được hiệu quả.
– Thính giả: Vợ em đang có ý định sinh con tiếp thì đi khám và phát hiện u nang kích thước 36×55, hôm trước thử thai thì thấy hai vạch, BS cho em hỏi có nên để lại thai hay không và để lại thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của hai mẹ con không?
– BS: Thực tế nhiều trường hợp bà mẹ mang thai vẫn có u nang. Nhưng trường hợp khối u nằm yên sẽ không ảnh hưởng gì còn nếu khối u không nằm yên, bị xoắn gây đau thì chúng tôi sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ khối u. Việc có khối u nang sẽ không phải bỏ con, việc phẫu thuật cắt bỏ khối u cũng không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thai nhi, tỷ lệ ảnh hưởng vô cùng thấp. Bạn nên đưa vợ đến các trung tâm y tế, các bệnh viện tốt để được thăm khám trực tiếp và tư vấn cặn kẽ về vấn đề này.
– Bạn Quang – 27 tuổi: Vợ mình mang thai lần đầu được 3 tháng, BS cho mình hỏi chế độ ăn cho vợ mình như thế nào để tốt cho thai nhi nhưng mẹ bầu thì không bị béo phì?
– BS: Trong 3 tháng đầu vợ bạn cần được bổ sung acid folic hàm lượng 400-600mg/ngày để chống di tật hở thần kinh cho thai nhi. Có thể cho vợ ăn các thực phẩm nhiều acid folic như cá, các rau có màu đậm hoặc các viên vitamin tổng hợp. Chế độ ăn của các mẹ mang thai cần cân đối giữa các nhóm thực phẩm, nên cho các mẹ ăn cá, thịt nạc, hạn chế ăn quá mặn, nhiều đồ ngọt, tinh bột.
Bạn Quang – 27 tuổi: Em tìm hiểu trên mạng thì có chế độ ăn cho mẹ bầu theo từng tháng, mỗi tháng chỉ chuyên ăn một thứ, như vậy có đúng không bác sĩ?
BS: Theo tôi nếu chỉ chuyên ăn một thứ thì nó không hợp lý, chúng ta phải cân đối giữa các nhóm thực phẩm, chế độ ăn phải đa dạng thì mới khỏe mạnh được, kể cả mẹ bầu hay người bình thường.
Bạn Quang – 27 tuổi: BS cho em hỏi là ốc có hàm lượng canxi gấp rất nhiều lần các thực phẩm khác có phải không ạ?
BS: Mẹ bầu ăn ốc thì không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, trong ốc có chứa canxi nhưng không chứa quá nhiều. Khi ăn ốc cần rửa sạch và luộc chín để tránh giun sán. Ngoài ra muốn bổ sung can xi cho mẹ bầu thì nên cho các mẹ uống sữa.
– Bạn Anh – Hà Đông: Khi em sinh bé thứ nhất đi kiểm tra thì sức khỏe bình thường, nhưng khi đến bé thứ 2 thì em chủ quan không đi khám dẫn đến bị tiểu đường thai kỳ, con 4,2kg và phải sinh mổ và bác sĩ bảo đứa trẻ sẽ yếu hơn bình thường. Vậy cho em hỏi có phải mẹ bị tiểu đường thì con sinh ra cũng bị tiểu đường phải không ạ? Hiện tại bé đã 3 tuổi và 12kg, người gầy.
– BS: Không phải mẹ nào bị tiểu đường thai kỳ thì con sinh ra cũng bị tiểu đường, chị nên đưa cháu đi thử đường huyết để xem cháu có bị tiểu đường hay không.
Ngoài ra, bố và mẹ có thể đón nghe trực tiếp và nghe lại chương trình qua các kênh sau
2.Facebook Trang Dinhduongbabau
Kính mời bố mẹ hãy cùng tham gia lắng nghe và chia sẻ để thêm tự tin chăm sóc dinh dưỡng cho mẹ và chuẩn bị một khởi đầu thật hoàn hảo cho con yêu.