Đái tháo đường thai kỳ là một căn bệnh nguy hiểm, làm gia tăng nguy cơ khiến mẹ bầu mắc các bệnh như tiền sản giật, nhiễm trùng đường tiểu, tương lai dễ mắc bệnh tiểu đường. Đồng thời thai nhi của các bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ có tỷ lệ tử vong cao hơn và có thể bị dị tật hoặc chậm phát triển.
Nội dung chính
1, Bệnh đái tháo đường thai kỳ là gì?
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường và chỉ xảy ra trong quá trình mang thai. Nguyên nhân xảy ra hiện tượng này là: Bình thường, insulin được tụy tạng sản xuất ra để điều hòa glucose máu. Khi mang thai, các hormone của nhau thai làm rối loạn việc sản xuất này. Tụy tạng cần phải sản xuất nhiều insulin hơn, có khi gấp 2 lần. Khi nhu cầu tăng cao như thế mà tụy tạng không đảm bảo sản xuất đủ lượng insulin cần thì glucose máu sẽ tăng cao dẫn đến đái tháo đường thai kỳ. Trong đó có một số yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh đái tháo đường thai kỳ là: thừa cân, béo phì, mẹ bầu lớn tuổi khi mang thai (trên 35 tuổi), gia đình hay bản thân có tiền sử bị tiểu đường…
2, Bệnh đái tháo đường thai kỳ có nguy hiểm không?
Đái tháo đường thai kỳ có thể gây những ảnh hưởng rất nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Mẹ bầu có thể mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, bệnh lý võng mạc, bệnh lý mạch vành và nhiễm trùng tiết niệu, tăng nguy cơ nhiễm độc thai nghén và nguy cơ bị tiểu đường thực sự trong tương lai… Nếu thai phụ bị tiểu đường mà không được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, có thể gây sảy thai, thai bị dị tật, thậm chí thai trong bụng mà không rõ nguyên nhân. Theo ThS.BS Phan Hướng Dương, Bệnh viện Nội tiết Trung Ương cảnh báo: “Người mẹ bị tiểu đường thai kỳ còn có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ khi trưởng thành, những trẻ này dễ bị thừa cân, béo phì, tăng nguy cơ dị dạng bẩm sinh, suy hô hấp, gây rối loạn chuyển hóa sơ sinh như hạ đường huyết, đa hồng cầu…”
3, Làm thế nào để phát hiện ra bệnh đái tháo đường thai kỳ?
Thông thường bệnh đái tháo đường thai kỳ không có triệu chứng rõ ràng, nhưng có một số thai phụ sẽ có biểu hiện tương tự như người mắc bệnh tiểu đường là:
- Luôn cảm thấy khát nước và uống nhiều nước
- Đi tiểu thường xuyên, nhiều hơn mức bình thường và lượng nước tiểu cũng nhiều
- Vùng kín bị nấm, ngứa ngáy, khó chịu…
- Các vết trầy xước, vết thương khó lành
- Sụt cân nhiều, mẹ bầu thường cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng và kiệt sức
- Nước tiểu có nhiều kiến bâu…
Tuy nhiên để biết chính xác có bị mắc đái tháo đường thai kỳ không thì các mẹ bầu cần đến các trung tâm y tế làm test dung nạp glucose và tiểu đường thai kỳ giữa tuần 24 và 28. Một đồ uống có đường nhưng không có ga được trao cho người mẹ để uống trước khi làm xét nghiệm và có thể được làm xét nghiệm máu trong vòng 1 tiếng sau khi uống xong. Thời gian là rất quan trọng để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác. Xét nghiệm máu không gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi. Sau đó, kết quả xét nghiệm sẽ được biết trong vòng 1-2 ngày.
Xem thêm: Đau đầu khi mang thai
4, Cách chữa bệnh đái tháo đường thai kỳ
Mục tiêu:
Các bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ phải được kiểm soát đường huyết tích cực để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Thông thường, đường huyết tiêu chuẩn lúc đói < 5,8mmol/l, đường huyết 1 giờ sau ăn 7,8mmol/l và 2 giờ sau ăn < 7,2mmol/l. Từ đó đưa ra tiêu chuẩn năng lượng mỗi ngày dành cho bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ được tính dựa trên cân nặng lý tưởng. Trên phụ nữ đã có cân nặng lý tưởng tổng số năng lượng là 30 Kcal/kg, những thai phụ gày cần nhiều năng lượng hơn và ngược lại. Chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo sự tăng trọng cần thiết trong thai kỳ: 0,45kg mỗi tháng trong quí đầu, 0,2-0,35kg mỗi tuần trong quí 2 và 3 của thai kỳ.
Điều trị đái tháo đường không bằng thuốc:
Trong trường hợp điều trị đái tháo đường thai kỳ không dùng thuốc, mẹ bầu cần chú ý thay đổi chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt hợp lý. Cụ thể, mẹ bầu không nên ăn các thức ăn, nước uống chứa nhiều đường như bánh kẹo, sữa đặc, nước ngọt có gas và hạn chế các đồ béo, đồ nếp như xôi, bánh chưng… thay vào đó nên tăng cường rau, chất xơ và ngũ cốc nguyên hạt. Đồng thời hạn chế ăn vặt, ăn đêm và ăn không đúng bữa. Tập thể dục thường xuyên cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2, thêm vào đó nó có thể giúp mẹ bầu không bị béo phì, quản lý căng thẳng, và sức khỏe cảm thấy tốt hơn. Việc ăn uống, luyện tập khoa học như trên có thể giúp mẹ bầu kiểm soát tốt đường huyết và phòng ngừa các biến chứng của bệnh đái tháo đường thai kỳ gây ra.
Điều trị đái tháo đường bằng thuốc:
Điều trị bằng thuốc được chỉ định khi mẹ bầu không thể ổn định đường huyết bằng việc tiết chế đơn thuần. Cho đến nay insulin human (nguồn gốc người) là thuốc duy nhất được FDA chấp nhận cho điều trị bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ, như Insulin thường (Insulin Actrapid) và Insulin bán chậm NPH (Insulatard) hoặc Insulin hỗn hợp (Mixtard) giữa Insulin thường và Insulin NPH. Liều trung bình lúc khởi đầu là 0,3 đơn vị/ kg cân nặng/ngày, chia tiêm dưới da 2-4 lần mỗi ngày, vào trước bữa ăn và trước lúc đi ngủ.
Ngoài ra, các bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ cần đo đường huyết 4-6 lần/ngày (vào trước bữa ăn và 2 giờ sau ăn, trước khi đi ngủ) và cần liên hệ với bác sỹ ngay nếu thấy kết quả cho thấy đường huyết có dấu hiệu bất thường.
Tóm lại, trong quá trình mang thai, cơ thể xảy ra rất nhiều biến đổi khiến quá trình trao đổi và hấp thụ dinh dưỡng thay đổi theo. Điều này có thể khiến mẹ bầu có nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, mà còn khiến thai nhi bị tổn thương nghiêm trọng. Do đó, việc khám sức khỏe thai sản định kỳ sẽ giúp các mẹ có thể kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các triệu chứng bất thường nhằm bảo đảm sự an toàn cho mẹ và bé hơn.
Thuy says
E bị tiểu đg thai kỳ. Mong bác sỹ tư vấn giúp e với ạ. E năm nay 32 tuổi. Cao 1,69m. Hiện tại mang bầu 28w nặng 65kg. Bình thường nặng 62kg. Thai nhi nặng 1221g. Đo đường huyết lúc đói là 5,1. Sau khi dung nạp glucozo 1h là 13,1; sau 2h là 10,1. Ngày đầu tiên theo dõi. Đường trước ăn sáng là 6,1; sau ăn sáng 7,3; sau ăn trưa là 8,3; trước ăn tối là 5,6; sau ăn tối là 9,8. Ngày thứ 2 theo dõi: trước ăn sáng là 6,2; sau ăn trưa là 13,1… e chưa dùng thuốc. Vậy chỉ số đg e như thế nói lên điều gì và a/h ntn đến mẹ và con. Bs nói cứ theo dõi chứ e chưa cần dùng thuốc. E thật sự hoang mang và lo lắng
Hiển thị trả lời
dinhduongbabau says
Chào bạn Thuy,
Kết quả kiểm tra đường huyết bằng nghiệm pháp dung nạp Glucose cho thấy bạn có đái tháo đường thai kỳ. Khi bị tiểu đường thai kỳ thì việc kiểm tra đường huyết thường xuyên là cần thiết. Cân nặng thai nhi so với tuổi thai như vậy là bình thường. Bạn hãy yên tâm tin tưởng làm theo chỉ định của bác sĩ. Với mức đường huyết như hiện tại trước tiên bạn cần thay đổi chế độ ăn của mình, giảm bớt tinh bột, không ăn thực phẩm chứa nhiều đường, ăn thịt nạc, cá nạc; hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều muối, thực phẩm chế biến sẵn,… Quan trọng hơn hết là chia nhỏ thức ăn, ăn thành nhiều bữa trong ngày, không nên để bụng qua no hoặc quá đói để tránh đường huyết lên cao hay hạ thấp quá bạn nhé!
Khi bị tiểu đường thai kỳ, chế độ ăn cần kiêng khem nhiều khiến nguy cơ bà bầu thiếu dưỡng chất tăng cao. Do đó, ngoài chế độ ăn, bạn có thể dùng viên bổ tổng hợp như PM Procare diamond mỗi ngày. Hàm lượng DHA, EPA trong thuốc cao còn giúp bạn ổn định đường huyết đáng kể. Bạn chỉ cần uống mỗi ngày 01 viên sau bữa ăn là đủ.
Chúc bạn một thai kỳ mạnh khỏe!
Hiển thị trả lời