Tiểu đường thai kỳ khá phổ biến với phụ nữ mang thai. Tuy nó không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sinh hoạt của mẹ bầu nhưng lại nguy hiểm đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Việc nắm rõ biểu hiện của bệnh là rất cần thiết vì tiểu đường thai kỳ còn ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình vượt cạn và thai nhi.
Nội dung chính
Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ hay còn gọi là tiểu đường type 3. Nguyên nhân chính là do sự thay đổi các hormone trong cơ thể của phụ nữ mang thai. Thông thường, bệnh sẽ tự khỏi sau khi sinh con và có thể không gây bất kỳ ảnh hưởng xấu nào đến sức khỏe mẹ và sự phát triển của bé nếu được kiểm soát tốt. Nếu trong lần đầu mang thai mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ thì tình trạng này sẽ quay lại trong lần mang thai thứ hai.
Tiểu đường thai kỳ là mức đường huyết cơ thể luôn cao, khả năng sản xuất insulin của tuyến tụy bị hạn chế nên không thể chuyển hóa glucose thành năng lượng. Rất ít mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có những triệu chứng cụ thể, chỉ có một vài người nhận thấy qua việc đi tiểu nhiều, khát nước thường xuyên. Những nguyên nhân dễ gây tiểu đường thai kỳ chính là: mẹ bầu ăn nhiều đồ ngọt, ăn thực phẩm dầu mỡ, nhu cầu thèm ăn, hút thuốc, huyết áp cao, lười vận động….
Đối với phụ nữ mang thai, tình trạng tiểu đường xuất hiện nếu:
- Mức đường huyết được đo khi đang đói trên mức 95 mg glucose/100ml máu.
- Mức đường huyết được đo sau khi ăn khoảng 1 giờ trên mức 180 mg glucose/100ml máu.
- Mức đường huyết được đo sau khi ăn từ 2 – 4 giờ trên mức 140 mg glucose/100ml máu.
Dấu hiệu điển hình của tiểu đường thai kỳ
Luôn khát nước đến khô họng
Khi mang thai, chế độ ăn uống của phụ nữ mang thai thay đổi khá nhiều khiến cho biểu hiện của việc mang thai thông thường và triệu chứng tiểu đường thai kỳ dễ bị lẫn với nhau.
Nếu thấy mình thường xuyên khát nước, dù đã uống rất nhiều nước mỗi ngày, thì hãy đề cập với bác sỹ về biểu hiện này.
Buồn tiểu liên tục
Nếu như bạn uống nhiều nước thì quá trình đào thải nước tiểu diễn ra nhanh hơn, việc buồn tiểu liên tục là hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn có triệu chứng buồn tiểu nhiều ngay cả khi không uống nhiều nước thì bạn có thể nghĩ ngay đến triệu chứng của bệnh tiểu đường.
Đi tiểu nhiều cũng là biểu hiện rõ ràng khi mang thai nhưng nếu để ý thấy sự thay đổi lớn về tần suất đi tiểu một cách bất thường, mẹ bầu cần chú ý và chia sẻ biểu hiện này với bác sĩ chuyên khoa. Ngoài việc liên quan đến bệnh tiểu đường thai kỳ nó còn có thể là biểu hiện của bệnh viêm đường tiết niệu.
Mệt mỏi đến kiệt sức
Mệt mỏi khi mang bầu là chuyện hết sức bình thường nhưng nếu như bạn mệt đến kiệt sức và mật độ xảy ra dồn dập thì hãy nghĩ đến việc cơ thể bị thiếu sắt hoặc mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
Ăn “không kiểm soát”
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy đói và lúc nào cũng thèm ăn bạn có thể cần phải xem lại. Những người bị tiểu đường thai kỳ thường là do insulin trong cơ thể không chuyển hóa hết glucose thành năng lượng nuôi cơ thể nên cơ thể không đủ năng lượng cần thiết, cơ thể liên tục gửi “tín hiệu” cho não cảm thấy đói, và làm bạn cũng cảm nhận cơn đói dai dẳng.
Nguy cơ nhiễm trùng “cô bé” gia tăng
Lượng đường trong cơ thể tăng cao khiến những vi khuẩn và các loại nấm men ở “cô bé” gia tăng, và nguy cơ bà bầu nhiễm nấm âm đạo cũng cao hơn bình thường. Nếu xuất hiện một số dấu hiệu như: ngứa ngáy, rát buốt khi đi tiểu, dịch tiết âm đạo có mùi hôi… bầu nên nhanh chóng đi khám bác sĩ.
Tiểu đường thai kỳ gây nguy hiểm như thế nào?
Đối với sức khỏe của mẹ bầu
- Mẹ bị tiểu đường thai kỳ sẽ dễ bị tiền sản giật hơn, nguy cơ cao gấp 4 lần so với người bình thường.
- Thai nhi to nên khi sinh dễ gây chấn thương cho mẹ như: gãy xương đòn, trật khớp….
- Có nguy cơ bị băng huyết sau sinh.
- Do thai to nên có tỉ lệ mổ lấy thai sẽ cao hơn là sinh thường.
- Xảy ra tình trạng sinh non, thai chết lưu, đa ối, vỡ ối gây nguy hiểm đến mẹ và bé.
Đối với sức khỏe của thai nhi
- Làm tăng lượng đường ở cơ thể thai nhi. Thai nhi phát triển nhanh hơn bình thường trong cơ thể mẹ, dễ dẫn đến béo phì sau này.
- Thai nhi có nguy cơ bị các dị tật bẩm sinh ở hệ tiết niệu, hệ thần kinh, tim mạch…
- Thai nhi có khả năng bị dị dạng
- Trẻ bị suy hô hấp cấp do insulin tăng làm phổi bị ảnh hưởng.
- Tỷ lệ tử vong chu sinh sẽ tăng cao từ 2 – 5 lần so với bình thường.
- Trẻ sinh ra dễ bị hạ đường huyết và tụt canxi.
Cách xử lý khi bị tiểu đường thai kỳ
Thường xuyên kiểm tra định kỳ
Khi phát hiện mình bị tiểu đường thai kỳ mẹ bầu nên đến trực tiếp các phòng khám chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn dùng thuốc theo đơn. Ngoài ra, trong quá trình điều trị cần phải thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu để theo dõi kịp thời những biến động, chủ động phòng ngừa, kiểm soát hợp lý.
Uống thuốc theo hướng dẫn
Tùy theo mức độ bệnh của bạn mà bác sĩ sẽ kê những đơn thuốc phù hợp. Mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý không nên tự ý mua thuốc bên ngoài để uống bởi vì có những loại thuốc không phù hợp dành cho phụ nữ mang thai, có thể dẫn đến sảy thai và những hậu quả đáng tiếc khác.
Đảm bảo chế độ nghỉ ngơi hợp lý
Đảm bảo một chế độ nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế làm việc đặc biệt là công việc nặng nhọc, không mang tâm lý buồn chán, lo lắng, stress để giúp cho bệnh không bị tiến triển nặng hơn.
Luyện tập thể dục thường xuyên
Việc tập thể dục, vận động thường xuyên sẽ làm lượng đường điều chuyển đến các tế bào khác, hạn chế tồn tại trong máu. Nhưng mẹ chỉ nên vận động nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày để giúp cơ thể dễ dàng dung nạp glucose, đẩy lùi tiểu đường, khắc phục triệu chứng đau lung, chuột rút…
Có chế độ ăn uống lành mạnh
Mẹ bầu cần ăn uống điều độ để hạn chế những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường. Bà bầu nên lưu ý không nên ăn quá no, có thể chia 3 bữa chính và 2 – 3 bữa phụ và tuyệt đối không bỏ qua bữa sáng.
Trên đây là những chia sẻ về bệnh tiểu đường thai kỳ và cách xử lý bệnh. Hy vọng rằng với những thông tin mà dinhduongbabau.net chia sẻ trên đây sẽ giúp cho các mẹ bầu đảm bảo được sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.