Mang thai là cột mốc vô cùng quan trọng và ý nghĩa với cả bố và mẹ. Khi biết mình mang thai và đặc biệt là những người mang thai lần đầu đều có những thắc mắc về một số vấn đề như: dinh dưỡng thai kỳ, lịch khám thai, bệnh khi mang thai,… Những thắc mắc này không chỉ có ở mẹ bầu mà có ở cả những ông bố tương lai nữa. Dưới đây là tổng hợp những điều quan trọng bố cần quan tâm trong suốt thai kỳ của mẹ bầu.
Nội dung chính
1. Tiêm phòng trước khi mang thai
Tiêm phòng giúp mẹ và con tránh được những chủng virust có ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe. Vì vậy các bác sĩ khuyến cáo tất cả các phụ nữ chuẩn bị mang thai nên đi tiêm phòng để phòng một số bệnh nguy hiểm có thể ảnh hưởng trực tiếp tới thai nhi như bệnh sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, cúm, viêm gan siêu vi B, viêm gan A, uốn ván, viêm màng não, HPV,…
Xem thêm: Những loại vắc-xin tiêm ngừa trước khi mang thai
2. Lịch khám thai định kỳ
Khi mẹ bé trễ kinh 1 tuần và thử que 2 vạch đỏ thì hãy đi khám ngay. Lần tiếp theo là lúc lúc 7-8 tuần, lúc này bố mẹ có thể nghe tim thai của bé lần đầu tiên, biết con đã vào tử cung hay chưa có vấn đề gì bất thường không để có biện pháp xử lý kịp thời.
Giai đoạn 11 – 14 tuần
Vào tuần 12 tính từ ngày kinh đầu tiên của chu kỳ cuối trước khi có thai, đây cũng là thời điểm dự đoán dự sinh chính xác nhất và cũng là thời điểm duy nhất có thể do độ mờ da gáy nhằm dự đoán một số bất thường nhiễm sắc thể nguy hiểm gây các bệnh như Down, dị dạng tim, chi, thoát vị cơ hoành v.v…
Giai đoạn 22 – 23 tuần
Thời điểm này hầu như các cơ quan của con đã phát triển đầy đủ nên bác sĩ sẽ tầm soát lại các dị tật bẩm sinh ở thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan, nội tạng v.v….
Giai đoạn 31 – 32 tuần
Thời điểm này, mẹ cần được siêu âm để phát hiện 1 số vấn đề xảy ra muộn như bất thường ở tim, động mạch, các bất thường ở não như giãn não thất…, nhận biết tình trạng thai phát triển chậm trong tử cung – một trong những nguyên nhân gây suy thai và ngạt sau sinh v.v …
Giai đoạn 35 – 36 tuần
Lần siêu âm này nhằm theo dõi Doppler động mạch rốn, động mạch não, động mạch tử cung, kiểm tra nước ối (đục hay trong, nhiều hay ít), dây rốn có bị vôi hóa có đủ tốt để vận chuyển dinh dưỡng nuôi bào thai hay không …Con được đo tim thai và chuyển động thai, ngôi thai có thuận hay không. Bác sĩ cũng sẽ dự báo cân nặng của con lúc sinh và sẽ có các tư vấn về dinh dưỡng kịp thời nếu trọng lượng thai nhi không đáp ứng đủ cân nặng chuẩn tại thời điểm tương ứng.
Bố cũng nên đưa mẹ bầu đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện ra những dấu hiệu bất thường về sức khỏe của mẹ (tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật,…) và em bé, từ đó có biện pháp khắc phục.
3. Dinh dưỡng khi mang thai
Dinh dưỡng khi mang thai đóng vai trò cực kỳ quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bản thân của mẹ bầu và sức khỏe của thai nhi. Để có một thai kỳ khỏe mạnh, bố chú ý bổ sung cho mẹ đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất quan trọng là: tinh bột, đường, đạm và vitamin trong suốt quá trình mang thai. Trong mỗi giai đoạn của thai kỳ, bà bầu cần một chế độ bổ sung dinh dưỡng khác nhau với những dưỡng chất then chốt. Bố có thể tham khảo chi tiết qua bài viết : chế độ dinh dưỡng khi mang thai.
4. Đề phòng và xử lý những biến chứng trong thai kỳ
Không phải mẹ bầu nào cũng có một hành trình mang thai suôn sẻ trong suốt thai kỳ. Một số bà mẹ gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ và sự phát triển của thai nhi, vì vậy bố nên tìm hiểu thêm về các biến chứng trong thai kỳ để chủ động phòng ngừa và xử trí kịp thời:
– Nhau thai bám thấp
Có khoảng 5% thai phụ có thể gặp phải tình trạng này. Đây là tình trạng bánh nhau nằm vào vị trí sát lỗ trong của cổ tử cung thay vì bám ở vùng đáy tử cung. Với vị trí này bánh nhau sẽ không giãn đồng bộ với phần cơ ở đoạn gần cổ tử cung khi các cơn co thắt xuất hiện trong lúc chuyển dạ. Kết quả là bánh nhau sẽ bị bóc tách ra khỏi niêm mạc tử cung và dẫn đến chảy máu, nếu chảy máu quá nhiều sẽ khiến người mẹ bị mất máu trầm trọng và kéo theo đó là tình trạng choáng, trụy mạch và tử vong ngay sau đó nếu không được xử lý kịp thời, thai nhi có nhiều khả năng sẽ sinh non hoặc bất thường ngôi thai như ngôi ngang hoặc ngôi mông.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng nhau bám thấp như: mẹ bầu lớn tuổi, mẹ sinh dày, mẹ có tiền sử mổ lấy thai nhiều lần trước đó… Bố cần đưa mẹ thăm khám thường xuyên trong thai kỳ để kịp thời phát hiện bất thường này.
– Đái tháo đường thai kỳ
Thường xảy ra vào tuần thứ 24 -28 của thai kỳ. Bệnh lý đái tháo đường thai kỳ có thể dẫn tới những nguy cơ như tiền sản giật, sản giật, dị tật thai, thậm chí sẩy thai, cần kiểm soát tốt tình trạng bệnh, bắt đầu với chế độ ăn và luyện tập hàng ngày.
– Tiền sản giật
Tiền sản giật là một hội chứng bệnh lý phức tạp thường xảy ra ở nửa sau của thai kỳ bắt đầu từ tuần thứ 21 trở đi, làm tăng nguy cơ thai chết lưu, sinh non tháng cũng như suy dinh dưỡng của con sau này. Khi bố thấy có các biểu hiện bất thường từ mẹ bầu, cần ngay lập tức đến bệnh viện để kiểm tra, để có thể điều trị sớm và phù hợp sẽ ngăn chặn được các biến chứng.
– Thiếu ối
Nếu trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai thường bà bầu thiếu ối có nguy cơ gây sảy thai, sinh non, thai chết lưu khá cao. Ngoài ra, con thường gặp vấn đề ở phổi. Nước ối ít ở tam cá nguyệt thứ 3 có thể khiến con khó xoay đầu trong những tháng cuối thai kỳ, dẫn đến tình trạng ngôi thai ngược khi sinh. Đặc biệt, thiếu nước ối do vỡ ối sớm có thể dẫn đến nhiễm trùng ối, nhiễm trùng bào thai và tử cung.
5.Tăng cân khi mang thai như thế nào là hợp lý?
Mức tăng cân chuẩn theo khuyến cáo của Viện Y học Hoa Kì (IOM):
- Cân nặng bình thường (chỉ số BMI là 18,5-24,9): mẹ bầu nên tăng 0,5-2kg trong ba tháng đầu và khoảng 0,5kg trong mỗi tuần còn lại của thai kỳ sẽ tối ưu hóa sự phát triển của con.
- Thiếu cân (BMI dưới 18,5): cần tăng 13 đến 18kg trong cả thai kì.
- Thừa cân (BMI từ 25 đến 29.9): nên tăng từ 7 đến 11kg trong cả thai kì.
- Béo phì (chỉ số BMI là 30 hoặc cao hơn): nên tăng từ 5 đến 9kg trong cả thai kì.
- Mang thai đôi: nếu mang thai mẹ nên tăng thêm 17-24kg trong thai kì nếu trước đó có cân nặng bình thường, 14-23kg nếu bị thừa cân, và 11-19kg nếu bị béo phì.
Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp bố hiểu thêm về thai kỳ để có sự chuẩn bị tốt nhất cho sức khỏe của mẹ bầu và em bé. Bên cạnh việc chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng cho mẹ, đưa mẹ đi khám định kỳ, bố cũng nên tham gia lớp học tiền sản cùng mẹ để bổ sung rất nhiều kiến thức quan trọng như: các bài tập thể dục khi mang thai, chuẩn bị trước khi sinh, cách tắm cho bé, cách cho bé bú, cách phòng chống bệnh cho bà bầu… để cùng mẹ bầu luôn tự tin khi chào đón con yêu chào đời.