Bà bầu bị đau bụng có thể là những biểu hiện bình thường nhưng cũng có những trường hợp cảnh báo dấu hiệu nguy hiểm. Vậy những trường hợp nào gây nguy hiểm cho bà bầu và biểu hiện của từng cơn đau bụng ra sao?
Dưới đây là một số chỉ dẫn mà các mẹ có thể tham khảo để giải mã những cơn đau bụng, xác định thời điểm cần gặp bác sĩ, và khiến những triệu chứng bình thường mẹ không cần quá lo lắng.
Nội dung chính
Nguyên nhân khiến bà bầu bị đau bụng trong thai kỳ
- Tử cung ngày càng lớn: Kích thước tử cung tăng dần sẽ chèn ép vào ruột nên có thể dẫn đến một số triệu chứng như: chướng bụng, đau bụng, buồn nôn, nhanh no
- Đau do vòng dây chằng đau: Kích thước tử cung tăng dần cũng đồng nghĩa với việc các dây chằng vòng cũng bị kéo giãn do đó mẹ bầu cảm thấy đau ở bụng dưới. Đau bụng do vòng dây chằng thường xảy ra ở 3 tháng giữa thai kỳ, cảm giác đau rõ rệt hơn khi mẹ bầu thay đổi vị trí, tư thế.
- Táo bón và đầy hơi: Táo bón và đầy hơi cũng gây ra cảm giác khó chịu ở bụng. Khi mang thai hormone progesterone tăng sản sinh khiến thức ăn tiêu hóa chậm hơn. Để phòng tránh táo bón, mẹ bầu nên uống nhiều nước và ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ.
- Các cơn gò giả (cơn co Braxton Hicks): Các cơn gò giả không khiến cho cổ tử cung mở, nó chỉ xuất hiện nhằm giúp cơ thể làm quen với cơn chuyển dạ thật. Nếu mẹ bầu vẫn có thể nói chuyện, xem ti vi, đọc sách bình thường khi cơn gò xuất hiện thì nó chắc chắn là cơn gò giả. Việc bị mất nước dễ làm cho cơn gò nhanh mạnh hơn, vì thế nhớ uống đủ lượng nước cần trong ngày.
Những trường hợp nguy hiểm khi bà bầu bị đau bụng
Chửa ngoài dạ con (Chửa ngoài tử cung)
Chửa ngoài dạ con là hiện tượng trứng không làm tổ trong tử cung mà ở vị trí khác ngoài tử cung. Triệu chứng của chửa ngoài tử cung là đau dữ dội kèm theo chảy máu từ tuần thứ 6-10 của thai kỳ, do ống dẫn trứng bị căng phồng. Phụ nữ có nguy cơ cao bị chửa ngoài tử cung là những người từng có tiền sử mắc bệnh, tử cung dị dạng bất thường, từng phẫu thuật tử cung, ống dẫn trứng, bị chứng thắt ống dẫn trứng hoặc mắc các viêm nhiễm khác.
Sảy thai
Nếu bạn bị đau bụng dữ dội vào giai đoạn đầu của thai kỳ, rất có thể có liên quan đến sảy thai. Triệu chứng sảy thai bao gồm đau bụng, chảy máu và có xuất hiện cơn co.
Sinh sớm
Đau bụng cũng là triệu chứng báo sinh sớm, đặc biệt có kèm theo cơn co chuyển dạ, xuất hiện trước 37 tuần của thai kỳ và kèm theo đau đầu. Khi có dấu hiệu này cần đến bệnh viện ngay để kịp thời xử lý.
Nhau bong non
Nhau thai là nguồn cung cấp dưỡng chất và oxy nuôi dưỡng em bé khi còn trong bụng mẹ. Bình thường nhau bám cao trên thành tử cung và không tách rời cho đến khi sau khi em bé chào đời. Cũng hiếm có trường hợp nhau bong non nhưng trường hợp này vẫn có thể xảy ra đó là nhau thai có thể tách rời khỏi thành tử cung. Biến chứng nguy hiểm này thường xảy ra ở 3 tháng cuối thai kỳ. Bong nhau thai sẽ khiến cho mẹ bầu có biểu hiện đau bụng, bụng nặng nề và xuống thấp và có thể kèm theo triệu chứng ra máu. Nếu tình trạng nhẹ, bác sỹ sẽ chỉ định cho phép tiếp tục thai kỳ. Nếu không, sẽ chỉ định mổ lấy thai.
Tiền sản giật
Khoảng 5-8% phụ nữ mang thai bị tiền sản giật và các rối loạn huyết áp. Tiền sản giật có thể phát triển bất cứ lúc nào sau 20 tuần của thai kỳ. Tiền sản giật cũng làm tăng nguy cơ bong nhau thai. Triệu chứng tiền sản giật là đau ở phần trên bên phải bụng kèm theo buồn nôn, đau đầu, sưng, và rối loạn thị giác.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Khoảng 10% phụ nữ mang thai bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Triệu chứng điển hình bao gồm tiểu không tự chủ, đau hoặc nóng rát khi đi tiểu, tiểu ra máu và đau bụng. Nhiễm trùng đường tiết niệu làm tăng nguy cơ sinh non.
Đau ruột thừa
Đau ruột thừa khi mang thai thường khó chẩn đoán được bởi vì lúc này tử cung to ra. Triệu chứng của viêm ruột thừa là đau ở phần dưới bên phải của bụng, kèm theo chán ăn, buồn nôn và nôn.
Sỏi mật
Những phụ nữ mang thai bị thừa cân dễ có nguy cơ mắc sỏi mật. Cơn đau do mắc sỏi mật thường tập trung ở phía trên góc phần tư bên phải bụng.
Khi nào bà bầu bị đau bụng nên đến bệnh viện
Khi bà bầu bị đau bụng kèm theo những biểu hiện sau nên đến bệnh viện để thăm khám ngay để tránh nguy hiểm đến thai phụ và cả thai nhi:
- Đau bụng bất thường hoặc có cơn co, cơn gò mạnh.
- Xuất hiện 4 cơn gò trong 1-2 giờ.
- Đau bụng dữ dội.
- Âm đạo tiết dịch bất thường.
- Đau đầu dữ dội.
- Tay, chân, mặt sưng phồng bất thường.
- Đau khi tiểu tiện, tiểu khó hoặc tiểu ra máu.
Khi bà bầu bị đau bụng cần xác định xem nguyên nhân do đâu để điều trị kịp thời. Khi bị đau bụng bạn nên lưu ý một số vấn đề sau để cải thiện tình trạng này:
- Chia nhỏ khẩu phần ăn.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Tăng cường bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ.
- Uống nhiều nước
- Đi tiểu tiện thường xuyên.
- Nghỉ ngơi khoa học.
- Không được tự ý dùng thuốc mà chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Đau bụng khi mang thai có khi là những biểu hiện khá bình thường của thai kỳ nhưng có khi nó là biểu hiện cảnh báo những nguy cơ nguy hiểm. Do vậy, khi bị đau bụng bạn nên xác định xem vị trí của cơn đau cùng các biểu hiện kèm theo nếu thấy bất thường thì gặp ngay bác sĩ chuyên gia để xử lý tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Chúc bạn có 1 thai kỳ khỏe mạnh!
Nguyễn thị hậu says
E đi khám bác sĩ bảo thai nhi bình thường, nhưng thi thoảng e bị đau bụng ko rõ nguyên nhân, hay em nằm sai thế nên bị đau, bác sĩ giúp e với
Hiển thị trả lời
Dinh Dưỡng Bà Bầu says
Chào bạn Hậu,
Trường hợp thi thoảng bạn xuất hiện cơn đau bụng và không có kèm theo biểu hiện bất thường khác, mặt khác bạn đã được thăm khám kết luận thai nhi phát triển bình thường thì bạn không nên quá lo lắng nhé.
Bởi vì khi mang thai cơ thể mẹ bầu có nhiều thay đổi như tử cung càng ngày càng lớn dần sẽ chèn ép vào ruột nên có thể dẫn đến một số triệu chứng như: chướng bụng, đau bụng, buồn nôn, nhanh no; Kích thước tử cung tăng dần cũng đồng nghĩa với việc các dây chằng vòng cũng bị kéo giãn do đó mẹ bầu cảm thấy đau ở bụng dưới. Đau bụng do vòng dây chằng thường xảy ra ở 3 tháng giữa thai kỳ, cảm giác đau rõ rệt hơn khi mẹ bầu thay đổi vị trí, tư thế.
Hoặc cơn đau bụng có thể do bạn đang bị táo bón, đầy hơi. Khi mang thai hormone progesterone tăng sản sinh khiến thức ăn tiêu hóa chậm hơn. Để phòng tránh táo bón, mẹ bầu nên uống nhiều nước và ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ.
Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh!
Hiển thị trả lời