Giống như chuột rút, mệt mỏi, và thay đổi tâm trạng, sưng phù chân là một trong những vấn đề phổ biến mà phụ nữ mang thai phải đối mặt. Tuy nhiên sẽ không còn bình thường nữa, nếu bàn tay hoặc khuôn mặt bà bầu bỗng dưng sưng phù và kéo dài hơn 1 ngày, mà có thể là một trong những dấu hiệu của tiền sàn giật. Vậy làm sao phân biệt được bà bầu bị phù chân bình thường hay là bệnh lý? Tại sao bà bầu bị phù chân? Có cách nào giảm sưng khi bà bầu bị phù chân? Để giúp mẹ bầu tìm được đáp án cho những vấn đề này, dưới đây, Dinh dưỡng bà bầu xin cung cấp thông tin cụ thể hơn về vấn đề phù chân khi mang thai để các mẹ bầu tham khảo.
Nội dung chính
Hiện tượng phù chân khi mang thai
Trong thời gian mang thai, cơ thể thai phụ sẽ sản sinh thêm 50% lượng dịch để cung cấp cho bào thai phát triển. Đây là nguyên nhân dẫn đến phù ở bà bầu. Phù (sưng sinh lý) thường xuất hiện ở tay, mặt chân, mắt cá chân và bàn chân. Sự hấp thu dịch này làm mềm cơ thể giúp cơ thể to ra theo sự phát triển của thai đồng thời giúp các khớp chậu và mô giãn nở tốt lúc sinh bé. Hiện tượng tích nước này có thể làm tăng khoảng 25% cân nặng người mẹ trong thai kỳ. Dưới đây là một số lý do phổ biến gây hiện tượng sưng phù khi mang thai:
- Lượng máu cũng như lượng chất lỏng trong cơ thể tăng lên khi mang thai.
- Việc tích tụ chất lỏng trong cơ thể khiến bà bầu bị phù chân và các bộ phận khác.
- Những thay đổi trong máu cũng khiến chất lỏng xâm nhập các mô.
- Áp lực gia tăng lên các tĩnh mạch chậu và tĩnh mạch chủ khi tử cung lớn dần. Dòng máu ở chân lưu thông chậm dẫn đến ứ đọng làm chất lỏng từ tĩnh mạch xâm nhập vào các mô của bàn chân, mắt cá chân.
- Với bà bầu mang đa thai hoặc bào thai có nước ối khá nhiều cũng có thể gây hiện tượng sưng chân, nhất là những ngày thời tiết nóng bức.
- Bà bầu bị phù chân nhiều nhất vào khoảng tháng thứ 5 và tăng dần mức độ trong tam cá nguyệt thứ 3.
Một số yếu tố khác ảnh hưởng đến phù chân khi mang thai:
- Nhiệt độ mỗi trường xung quanh tăng cao
- Hấp thụ quá nhiều muối
- Chế độ ăn uống thiếu kali
- Đứng trong thời gian dài
- Hoạt động thể chất trong nhiều ngày
- Uống cà phê hoặc thức uống chứa caffeine liên tục.
Nhận biết phù chân sinh lý hay phù chân bệnh lý khi mang thai
Phù chân ở mức độ vừa là hiện tượng bình thường. Khoảng 50% phụ nữ mang thai gặp tình trạng này ở bàn chân và mắt cá chân, đặc biệt là trong vài tháng cuối của thai kỳ. Mức độ sưng có thể thay đổi theo các thời điểm trong ngày và thời tiết, đôi lúc bà bầu sẽ cảm thấy chân phù to hơn vào buổi tối hay những hôm thời tiết nóng bức.
Tình trạng phù chân thường sẽ nhanh chóng biến mất sau khi sinh. Lúc này cơ thể sẽ bắt đầu loại bỏ chất lỏng dư thừa vì vậy mẹ bầu có thể thấy mình đi vệ sinh nhiều hơn và đổ mồ hôi nhiều trong mấy ngày đầu mới sinh.
Tuy nhiên mẹ bầu cần lưu ý nếu bị sưng đột ngột ở tay và mặt thì nên đến bệnh viện kiểm tra ngay vì đây có thể là dấu hiệu của tiền sản giật, một biến chứng thai kỳ rất nguy hiểm. Phù bệnh lý thường đi kèm với các triệu chứng như tăng huyết áp, tăng cân nhanh và xuất hiện đạm trong nước tiểu (protein niệu). Nếu bà bầu cảm thấy mình có các dấu hiệu trên thì nên đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán sớm nhất.
Bà bầu nên làm gì khi bị phù chân?
Một số cách giúp giảm nhẹ tình trạng bị phù chân khi mang thai mà các mẹ có thể áp dụng. Đó là:
- Xoa bóp vùng bị phù chân. Xoa bóp tạo áp lực lên các khu vực sưng tấy sẽ giúp làm giảm phù chân.
- Sử dụng trà bồ công anh. Thảo luận với bác sĩ của bạn việc dùng thảo dược để ngăn ngừa tình trạng cơ thể giữ nước.
- Phương pháp bấm huyệt. Đây là một cách vừa giúp giảm phù chân vừa giúp bà bầu thư giãn tinh thần.
- Chế độ ăn khoa học: Uống đủ nước mỗi ngày và ăn những thức ăn lành mạnh, đáp ứng đủ dinh dưỡng khi mang thai bao gồm một lượng nhỏ đạm như thịt, trứng, cá, đậu đi kèm với rau xanh và trái cây sẽ giúp bà bầu giữ cân nặng ở mức hợp lý và ngăn ngừa phù chân. Ngoài ra, nên hạn chế muối, đường, chất béo mà thay vào đó ưu tiên cho các món thanh đạm.
- Thay đổi thói quen vận động, sinh hoạt. Bà bầu có thể tập nâng cao chân, xoay mắt cá chân, cử động ngón chân thường xuyên để giảm nhẹ tình trạng phù. Tránh đứng, ngồi quá lâu hay ngồi vắt chéo chân. Nên mặc đồ, đi các loại giày thoải mái khi mang thai. Đi bộ các quãng ngắn để ngăn máu tích tụ ở phần dưới của cơ thể.
- Thể dục đều đặn ở mức độ phù hợp tình trạng thai: đi bộ, yoga cho bà bầu, hít thở, các bài tập kegel… (Trước khi tập, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia).
Khi bị phù chân bà bầu có thể áp dụng các cách trên sẽ làm các dấu hiệu sưng giảm dần. Tuy nhiên nếu tình trạng phù kéo dài, dù đã nghỉ ngơi mà vẫn không giảm bớt hoặc kèm theo các triệu chứng bất thường khác như đau đầu, mờ mắt, rối loạn thị giác, đau bụng thì bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để kiểm xem đây có phải là tín hiệu của tiền sản giật hay không và có cách xử lý sớm. Hi vọng các thông tin chia sẻ trên sẽ giúp các mẹ hiểu rõ hơn vấn đề phù chân khi mang thai để không còn lo lắng nữa và thoải mái tinh thần tận hưởng hành trình mang thai của mình nhé.
Có thể bạn quan tâm:
Nguyễn phương hảo says
Mình phị phù chân kéo dài 3 ngày rồi thì là bình thường hay có làm sao ko
Hiển thị trả lời
dinhduongbabau says
Chào bạn Phương Hảo,
Từ tuần thứ 37-38 trở đi, mẹ bầu thường hay gặp hiện tượng phù chân (dân gian gọi là xuống máu). Nguyên nhân là do lúc này thai nhi đã lớn, gây ra áp lực chèn lên tĩnh mạch chủ dưới, đây là những tĩnh mạch có nhiệm vụ bơm máu từ chi dưới về tim. Khi sức ép càng lớn thì máu sẽ dồn nhiều ở chân, gây hiện tượng phù, nhất là vị trị bàn chân, mắt cá. Ngoài ra sự thay đổi hormon trong thai kỳ cũng đóng vai trò quan trọng gây nên hiện tượng phù. Hormon trong cơ thể thay đổi khiến cho thành mạch trở nên mềm hơn, điều này gây khó khăn cho tĩnh mạch trong quá trình vận chuyển máu từ chi dưới về tim.
Phù ở bàn chân, mắt cá chân, bắp chân là hiện tượng sinh lý bình thường, có thể gặp ở hầu hết phụ nữ khi mang thai. Những dấu hiệu này sẽ mất đi khi em bé của bạn chào đời. Tuy nhiên, sưng phù cũng có thể là dấu hiệu chỉ ra cơ thể bạn đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng hơn nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường sau:
– Sưng phù dài ngày, dù bạn đã nghỉ ngơi nhưng vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm
– Tay và mặt cũng bị phù
– Dấu hiệu sưng, phù tăng dần, lớn hơn so với ban đầu
– Đau đầu nặng
– Có vấn đề về thị giác như nhìn lờ mờ
– Đau dữ dội ngay dưới xương sườn
– Nôn với bất kỳ triệu chứng nào
Phù chân trong 3 tháng cuối rất có thể là biểu hiện của tình trạng tiền sản giật nguy hiểm trong thai kỳ. Chính vì vậy nếu phù chân kéo dài, nghỉ ngơi cũng ko giảm thì bạn nên tới bác sĩ thăm khám cụ thể để có chẩn đoán chính xác và nhận được sự hỗ trợ kịp thời (nếu cần)
Chúc bạn một thai kỳ mạnh khỏe!
Hiển thị trả lời