Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Theo Viện hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ, nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp giảm tần suất và mức độ trầm trọng của bệnh tiêu chảy, viêm đường hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não và viêm ruột hoại tử, đồng thời cải thiện sự phát triển và nhận thức của trẻ. Tuy vậy, nhưng một số mẹ khi cho con bú có thể xuất hiện một số vấn đề như: đau, viêm vú, căng sữa… khiến cho mẹ thấy khó khăn hơn khi cho con bú. Hãy cùng dinhduongbabau.net tìm hiểu những vấn đề thường gặp ở mẹ khi cho con bú và giải pháp khắc phục để giảm bớt tình trạng này nhé!
Nội dung chính
Những vấn đề thường gặp khi cho con bú
1. Đau núm vú
Đau núm vú không phải là hiện tượng bất thường khi mẹ bắt đầu cho con bú hoặc với những người làm mẹ lần đầu. Nếu như khi bé không ti nữa mà mẹ vẫn thấy đau kéo dài quá 1 phút thì mẹ nên kiểm tra lại vị trí chỗ đau.
Giải pháp cho tình trạng này là mẹ thử tìm vị trí cho bé bú phù hợp sao cho miệng bé có thể ngậm được hết cả phần núm vú phía dưới chứ không phải chỉ phần đầu núm vú. Để thay đổi vị trí cho bé bú phù hợp mẹ chỉ cần đặt ngón tay cái vào miệng con để bé nhả ngực ra hoặc mẹ có thể giữ cằm bé và đợi đến khi miệng con mở ra thì đặt vào vị trí khác sao cho miệng và cằm của bé chạm ngực mẹ và môi mở ra mẹ sẽ không nhìn thấy phần nào của núm vú.
Còn nếu đặt đúng vị trí mà mẹ vẫn thấy đau thì cò thể do núm vú bị khô. Mẹ nên mặc áo rộng rãi thoáng mát hơn và vệ sinh núm vú thường xuyên, sạch sẽ.
2. Núm vú bị nứt
Có nhiều nguyên nhân khiến núm vú bị nứt như: nấm, khô da, hút sữa không đúng cách… nhưng nguyên nhân chủ yếu là do bé bú chưa đúng vị trí. Khi bé mới bắt đầu học cách bú sữa và cơ thể mẹ bắt đầu tiết sữa nên có thể núm vú sẽ bị chảy máu. Chút máu lẫn vào sữa như vậy sẽ không gây hại gì cho bé.
Giải pháp: Kiểm tra tư thế bú của con, phần dưới cùng của quầng vú bên dưới núm vú phải nằm hoàn toàn trong miệng bé. Ngoài ra, cố gắng cho con bú thường xuyên và trong khoảng thời gian ngắn. Nếu bé không bị đói thì lực hút sẽ nhẹ hơn.
Ngoài ra, lúc cho con bú xong mẹ hãy để lại một chút sữa trên núm vú cho đến khi khô để làm lành vết thương. Còn nếu tất cả những giải pháp trên không đem lại hiệu quả mẹ có thể dùng một ít kem dưỡng ẩm và dùng bọc núm vú khi mặc áo ngực.
3. Tắc sữa
Tắc sữa là tình trạng sữa không thoát ra ngoài được. Mẹ sẽ cảm thấy có một cục cứng ở trên ngực và xuất hiện một vài nốt đỏ và cảm giác đau ngực. Nếu mẹ bị sốt hoặc bị đau nhiều mẹ nên đi gặp bác sĩ để được tư vấn thêm.
Giải pháp tốt nhất cho tình trạng tắc tia sữa là mẹ nên có chế độ nghỉ ngơi đầy đủ và nhờ thêm sự giúp đỡ của người nhà để chăm con. Mẹ cũng có thể dùng khăn ấm để xoa bóp nhẹ nhàng quanh ngực để kích thích sữa chảy ra ngoài. Tắc sữa khiến mẹ khó chịu nhưng sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của con bởi sữa mẹ có chứa kháng sinh tự nhiên.
Xem thêm: Tắc tia sữa – Nỗi khổ của mẹ cho con bú
4. Ngực bị căng sữa/quá nhiều sữa
Với những mẹ bị căng sữa, tức sữa, quá nhiều sữa sẽ khiến bé gặp phải khó khăn khi bú mẹ bởi khi ngực mẹ căng sẽ cứng và phồng lên không phù hợp với kích thước miệng trẻ.
Giải pháp: Dùng tay xoa bóp đều ngực để sữa chảy ra làm mềm dần vùng ngực trước khi cho con bú. Ngoài ra, mẹ càng cho bé bú nhiều thì sẽ càng đỡ bị tức sữa.
5. Chứng viêm vú
Viêm vú là một bệnh gây ra bởi vị khuẩn ở ngực với các triệu chứng giống cảm cúm như sốt, đau ngực. Hiện tượng này khá phổ biến trong vài tuần sau sinh (và khi cai sữa) do da bị rạn, tắc sữa hoặc tức sữa.
Giải pháp: Ở trường hợp này, cách duy nhất là điều trị các nhiễm trùng bằng kháng sinh, chườm nóng và quan trọng nhất là giải phóng sữa. Mẹ nên dùng tay xoa bóp để làm mềm ngực và dịu các vết sưng đỏ sẽ giúp các mẹ cảm thấy dễ chịu hơn và cứ cho con bú như bình thường để giải phóng sữa.
6. Chứng nấm miệng ở trẻ
Nhiễm trùng nấm men trong miệng bé có thể lay sang ngực mẹ, nó gây ra hiện tượng ngứa liên miên, đau nhức và có thể dẫn đến phát ban. Vì vậy, mẹ nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được kê đơn thuốc và giải pháp hữu hiệu nhất. Nếu như hai mẹ con không điều trị kịp thời bệnh sẽ lây nhiễm chồng chéo và khó khăn hơn trong việc chữa trị.
7. Ít sữa
Nếu mẹ bị ít sữa hãy cho bé bú thường xuyên hơn và dùng tay xoa bóp ngực để tăng thêm lượng sữa mẹ bởi con bú sữa mẹ là một quá trình giống như cung – cầu, bé càng bú nhiều thì cơ thể mẹ sẽ tự động tiết ra thêm sữa. Mẹ nên uống nhiều nước và ăn uống lành mạnh, bổ sung chất dinh dưỡng và các thực phẩm lợi sữa để giúp mẹ có thể tăng nguồn sữa cung cấp cho con hơn.
8. Bé ngủ khi bú sữa
Trong vài tháng đầu bé ngủ nhiều là điều hết sức bình thường, không chỉ vậy mà bé còn ngủ ngay trong khi bú mẹ. Vì vậy, khi mẹ thấy con bắt đầu mút nhẹ hoặc mắt lim dim nhắm lại thì hãy từ từ đưa miệng con ra khỏi đầu núm vú và mẹ có thể thử kích thích bé bằng cách cù chân, nói chuyện nhẹ nhàng, xoa lưng cho con sau đó chuyển sang bên ngực còn lại. Thời gian sau bé sẽ thức lâu hơn nên mẹ không cần phải lo lắng nhiều về vấn đề này.
9. Núm vú phẳng hoặc lõm
Núm vú phẳng hoặc lõm gây khó khăn cho con bú nhưng mẹ có thể khắc phục được bằng việc dùng dụng cụ hút để sữa chảy ra trước khi đặt vào miệng bé và mẹ cũng có thể sử dụng núm vú hỗ trợ cho con bú nếu bé khó khăn khi đặt miệng vào đầu vú mẹ.
10. Đau ngực
Ngực của bạn hoạt động giống như một cái máy – khi cho con bú, các bộ phận còn lại sẽ được kích thích để tiếp tục tiết sữa. Đôi lúc điều đó sẽ khiến mẹ cảm thấy đau đớn, khó chịu đặc biệt là với các mẹ nhiều sữa, một số mẹ còn có cảm giác như bị kim châm, cảm thấy đau nhức.
Giải pháp: Nếu mẹ có cảm giác như bị kim châm chuyển thành ngứa ran như bị vật gì đâm vào ngực thì mẹ cần phải kiểm tra xem có bị nhiễm trùng nấm hoặc vi khuẩn không? Thông thường đây là hiện tượng khi cơ thể mẹ đang tiết ra quá nhiều sữa, mẹ hãy thử cho con bú lâu hơn ở một bên ngực và chuyển bên khi thấy cần thiết.
Trên đây là những vấn đề thường gặp khi cho con bú và giải pháp khắc phục hy vọng với những giải pháp trên sẽ giúp cho các mẹ có thể khắc phục được những tình trạng khi cho con bú và cảm thấy việc cho con bú trở nên đơn giản, dễ chịu, thoải mái và thiêng liêng nhất. Chúc gia đình bạn luôn vui vẻ, mạnh khỏe và đừng quên đồng hành cùng dinhduongbabau.net để có thêm nhiều thông tin hữu ích cho mẹ và bé nhé!
Xem thêm: Mách nhỏ bí kíp cho con bú đúng cách
Trang says
Chào bs!
Bs cho em hỏi vì sao trong thời gian cho con bú, gần đây bầu ngực e luôn có cảm giác như kim châm( lâu lâu xuất hiện) ạ? Đó là bệnh lý hay sinh lý bình thường ạ!
Hiển thị trả lời
Dinh Dưỡng Bà Bầu says
Chào bạn,
Dấu hiệu bầu ngực có cảm giác như kim châm trong thời gian cho con bú thường có thể xảy ra khi bạn nhiều sữa, đây là hiện tượng sinh lý bình thường bạn nhé.
Tuy nhiên bạn nên lưu ý: nếu cảm giác như bị kim châm chuyển thành ngứa ran như bị vật gì đâm vào ngực bạn cần phải thăm khám kiểm tra xem có bị nhiễm trùng không (nấm hoặc vi khuẩn), thường nếu có biểu hiện nhiễm trùng bạn sẽ bị sốt, đau nhức và ớn lạnh.
Chính vì vậy nếu chỉ xuất hiện biểu hiện ngực như bị kim châm khi căng sữa thì bạn không quá lo lắng nhé. Để khắc phục bạn nên cho bé bú nhiều hơn hoặc có thể vắt bớt sữa để giảm cảm giác căng tức như kim châm.
Chúc bạn và bé mạnh khỏe!
Hiển thị trả lời
Khang says
Đầu ti em bị đau như có kim châm
Hiển thị trả lời
Dinh Dưỡng Bà Bầu says
Chào bạn,
Đau đầu ti là vấn đề thường gặp khi bạn bắt đầu cho con bú hoặc với những phụ nữ lần đầu làm mẹ. Tuy nhiên, nếu bé không bú nữa mà mẹ vẫn cảm thấy đau kéo dài hơn 1 phút thì hãy kiểm tra lại vị trí chỗ đau.Bạn nên chú ý cho bé bú đúng cách: vị trí bú mẹ phù hợp sao cho miệng bé có thể ngậm hết cả phần núm vú phía dưới chứ không phải chỉ phần đầu núm vú. Nếu bạn đã đặt đúng vị trí nhưng vẫn thấy đau, có thể do núm vú bị khô. Mẹ nên mặc áo rộng rãi thoáng mát hơn và vệ sinh núm vú thường xuyên, sạch sẽ.
Trường hợp bạn đã khắc phục theo những cách trên nhưng tình trạng đau đầu ti càng ngày càng trầm trọng hơn hoặc có biểu hiện bất thường khác thì bạn nên đến gặp bác sỹ để được hỗ trợ nhé.
Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe!
Hiển thị trả lời