Thiếu máu là tình trạng giảm số lượng hồng cầu, là căn bệnh thường gặp ở bà bầu. Đây là lí do mà mẹ bầu luôn phải đi làm xét nghiệm máu ngay ở tam cá nguyệt thứ nhất và lúc thai 20 tuần tuổi. Thiếu máu khi mang thai sẽ dẫn đến nhiều biến chứng như sinh non, trẻ sinh ra thiếu cân nặng, gây chậm phát triển ở trẻ nhỏ hoặc trầm cảm sau khi sinh đối với các bà mẹ. Dưới đây là cách phát hiện và phòng ngừa thiếu máu khi mang thai.
Nội dung chính
Nhận biết dấu hiệu thiếu máu khi mang thai?
Màu đỏ trong máu xuất phát từ các hemoglobin, một loại protein giàu sắt. Tế bào hồng cầu mang oxy từ phổi đến những phần còn lại của cơ thể thông qua protein này. Trong thời gian mang thai, cơ thể người mẹ cần sản sinh ra lượng máu nhiều hơn để hỗ trợ tốt cho sự tăng trưởng và phát triển của bào thai. Vì vậy, chế độ ăn của bà bầu cần chú trọng đến việc bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng như sắt, axit folic và vitamin B12 vì việc thiếu hụt những chất này sẽ làm cơ thể không sản sinh ra đủ lượng tế bào máu cần thiết.
Khi tình trạng thiếu máu nhẹ thì sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện ở mẹ bầu. Dưới đây là một số triệu chứng thiếu máu mà mẹ bầu có thể nhận thấy:
- Da tái xanh, yếu ớt.
- Mệt mỏi, uể oải.
- Cảm thấy khó chịu, dễ bực tức.
- Dễ bị nhiễm bệnh.
- Khó thở, mệt cảm giác như đang vận động hay leo cầu thang không được nghỉ lấy hơi.
- Nhức đầu, xỉu. chóng mặt, hoa mắt.
- Phần niêm mạc trong mi mắt dưới sẽ hồng nếu lượng hồng cầu bình thường và sẽ nhợt nhạt nếu thiếu máu.
- Một số phụ nữ thiếu máu nặng khi mang thai thích ăn những thứ không ăn được như đất sét, cát, phấn… là vì cơ thể họ quá thiếu sắt trong khi những chất này liên quan đến quá trình hấp thu sắt và có thể giải quyết phần nào.
Ảnh hưởng tiêu cực của thiếu máu đến sức khỏe của mẹ và bé?
Thiếu máu ở phụ nữ mang thai có thể gây nhiều hậu quả nặng nề cho cả mẹ và con. Dưới đây là những ảnh hưởng tiêu cực của việc thiếu máu đến sức khỏe của mẹ và bé:
Đối với mẹ bầu: Thiếu máu khi mang thai mẹ bầu sẽ gặp phải nhiều biến chứng như: sinh non, dễ bị sảy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, cao huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản, trầm cảm sau sinh. Ngoài ra, nếu có xuất huyết hậu sản sẽ đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng người mẹ.
Đối với bé: Trong quá trình mang thai mà mẹ bầu gặp phải tình trạng thiếu máu thì trẻ sau sinh sẽ có khả năng bị nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai, có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn trẻ khác, chậm phát triển.
Có rất nhiều dạng thiếu máu khác nhau, thông thường thiếu máu tập trung vào nhóm thiếu các dưỡng chất như Sắt, Acid Folic, Vitamin B12. Thiếu mỗi một chất cơ thể mẹ và bé lại có những ảnh hưởng khác nhau, đặc biệt là nếu mẹ bầu thiếu acid folic khi mang thai, có thể gây dị tật ống thần kinh và ảnh hưởng vĩnh viễn tới đứa trẻ sau này.
Cách phòng ngừa thiếu sắt, thiếu máu cho phụ nữ mang thai
Để kiểm soát và phòng ngừa tình trạng thiếu máu khi mang thai, các bác sĩ khuyên thai phụ cần:
- Bổ sung sắt dạng thuốc, thực phẩm bổ sung, thực phẩm với liều khuyến cáo (30mg/ngày).
- Bổ sung axit folic liều 400mcg – 600mcg/ngày suốt từ khi chuẩn bị mang thai tới khi ngừng cho con bú.
- Bổ sung vitamin B12 dạng viên hoặc bổ sung qua chế độ ăn. Nguồn dinh dưỡng nhiều B12 là các thực phẩm như trứng, thịt và sữa.
- Bổ sung vitamin C cũng cần thiết cho quá trình hấp thu sắt. Thức ăn là nguồn cung cấp vitamin C lý tưởng. Tuy nhiên, vitamin C sẽ tan trong nước chứ không dự trữ lâu trong cơ thể. Nếu chọn phương pháp bổ sung vitamin C qua chế độ ăn, bạn nên đảm bảo ngày nào cũng có thực phẩm giàu vitamin C trong bữa ăn.
- Tăng cường sắt qua chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều loại thực phẩm giàu sắt. Thịt đỏ như thịt bò, thịt bê, thịt cừu là lựa chọn tốt nhất, nhưng thịt gia cầm cùng với các loại thịt khác và các loại sò, hến cũng là những nguồn cung cấp sắt dồi dào. Các loại thức ăn giàu sắt có nguồn gốc thực vật bao gồm đậu, đậu hũ, nho khô, chà là, mận khô, mơ, khoai tây nguyên vỏ, bông cải, củ cải đường, các loại rau xanh, bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và các loại ngũ cốc tăng cường sắt.
- Nếu người mẹ thiếu máu nặng, có thể bổ sung sắt bằng cách tiêm hoặc đôi khi phải truyền máu, nhưng phải có chỉ định của bác sỹ. Phụ nữ trước khi mang thai bị thiếu máu nặng thường được khuyên là không nên mang thai để tránh các biến chứng phức tạp cho mẹ và bé cho tới khi bổ sung đầy đủ cho cơ thể.
Xem thêm: Bổ sung Acid Folic cho bà bầu đúng cách
Tóm lại: Trong suốt thời kỳ mang thai, trước khi mang thai và khi cho con bú, việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng là rất cần thiết, đặc biệt là các chất tạo máu như đạm, sắt, folic acid, Vitamin B12. Ngoài việc bổ sung chất dinh dưỡng bằng chế độ ăn hàng ngày mẹ bầu có thể bổ sung thêm từ nguồn thuốc để đảm bảo nhu cầu sắt mỗi ngày đạt 30mg, acid folic là 400mcg, Vitamin B12 là 2.6mcg.