Thiếu máu là tình trạng giảm lượng huyết sắc tố và số lượng hồng cầu trong máu ngoại vi dẫn đến không cung cấp đủ oxy cho cơ thể.
Chẩn đoán thiếu máu khi kết quả xét nghiệm máu cho thấy Hemoglobin (Hb) < 11g/dl hoặc Hematocrit <33%.
Nội dung chính
1. Nguyên nhân nào gây thiếu máu ở mẹ mang thai?
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của thiếu máu là thiếu sắt, Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2015 cho thấy: 32,8% phụ nữ mang thai tại Việt Nam thiếu máu, trong đó 54,3% các trường hợp là thiếu máu thiếu sắt.
- (Chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt khi tổng phân tích tế bào máu cho thấy có thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc và xét nghiệm máu cho kết quả đồng thời 2 thông số:
– Hemoglobin (Hb) < 11g/dl
– Ferritin huyết thanh< 30ng/ml)
Gần 50% các trường hợp thiếu máu có nguyên nhân từ yếu tố dinh dưỡng và phi dinh dưỡng khác như:
- Thiếu vitamin: bao gồm folate (B9), vitamin B 12, vitamin A…
- Thiếu Protein
- Viêm nhiễm, các bệnh truyền nhiễm (như sốt rét; nhiễm giun (đặc biệt là bệnh giun móc); HIV; ung thư; bệnh lao…)
- Suy giảm tổng hợp hemoglobin do di truyền hoặc mắc phải
- Mất máu do xuất huyết tiêu hóa, chấn thương…
2. Thiếu máu gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe thai kỳ?
Hậu quả sức khỏe của bệnh thiếu máu bao gồm:
- Mệt mỏi, suy nhược, mất sức, chóng mặt, giảm năng suất lao động, giảm chất lượng cuộc sống
- Thiếu máu ở người mẹ có thể dẫn đến mất máu nhiều hơn trong khi sinh, tăng nguy cơ băng huyết sau sinh và tử vong mẹ
- Các bà mẹ thiếu máu có nguy cơ sinh non và sinh con nhẹ cân hơn
- Thiếu máu cũng tác động tiêu cực đến sự phát triển nhận thức và vận động của trẻ em, thiếu máu nặng làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ em
Với mức độ phổ biến và những hậu quả kèm theo, thiếu máu được đưa vào các mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu, được Đại hội đồng Y tế Thế giới thống nhất vào năm 2012 nhằm cải thiện dinh dưỡng cho mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em
3. Chế độ dinh dưỡng thế nào để phòng chống thiếu máu khi mang thai?
Các lý do dẫn tới thiếu máu rất đa dạng nhưng dinh dưỡng kém là một trong những nguyên nhân chính và phổ biến nhất. (Với các nguyên nhân do bệnh lý, cần được thăm khám và thực hiện điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ)
Sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng (đơn lẻ hoặc kết hợp) xảy ra khi cơ thể không nhận được đủ dinh dưỡng từ chế độ ăn uống – bổ sung hàng ngày. Để phòng chống điều này mẹ cần lưu ý:
Lựa chọn thực phẩm chất lượng và đa dạng khẩu phần ăn
Chế độ ăn uống không đủ chất hoặc kém hấp thu (đặc biệt là sắt, vitamin A, vitamin B 12 và folate) là nguyên nhân chính gây thiếu máu dinh dưỡng
Mẹ nên tăng cường các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, hướng tới chế độ ăn uống đầy đủ – đa dạng các nguồn thực phẩm.
- Thực phẩm giàu sắt bao gồm: thực phẩm có nguồn gốc động vật (thịt, nội tạng từ gia súc, cá, gà…) và thực phẩm từ thực vật (rau bina, các loại đậu và rau lá xanh).
Tuy nhiên, việc hấp thu sắt có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác trong chế độ ăn, điều quan trọng là phải lưu ý tăng cường các loại thực phẩm giúp tăng hấp thu – sử dụng sắt đồng thời giảm các thực phẩm gây ức chế hấp thu.
- Axit ascorbic (Vitamin C) tăng cường hấp thu sắt. Trên thực tế, chỉ cần tiêu thụ 100 mg vitamin C có thể cải thiện sự hấp thụ sắt lên 67%
- Thực phẩm giàu phytate (như trong ngũ cốc, trà), Caffeine hoặc thực phẩm giàu canxi (như trứng, pho mát và các sản phẩm từ sữa khác) có thể cản trở sự hấp thụ sắt của cơ thể. Vì vậy hãy tránh uống cafe, trà hoặc tiêu thụ thực phẩm giàu canxi trong bữa ăn có thực phẩm giàu sắt.
- Các loại rau lá xanh đậm, rau màu vàng / cam, trái cây, các thực phẩm từ động vật (như thịt, gan, bơ thực vật, cá/dầu cá) và các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp Vitamin A (renitol) và pro-vitamin A (carotenoid) tốt. Vitamin tan trong chất béo cần được tiêu thụ cùng với lipid để cải thiện khả năng hấp thụ. Lưu ý nên giảm ngắn thời gian nấu để bảo toàn hoạt tính của pro-vitamin A
- Thịt, cá, gia cầm và các sản phẩm từ sữa là những nguồn cung cấp vitamin B 12 tốt
- Thực phẩm giàu folate bao gồm rau lá xanh đậm, trái cây và nước ép trái cây, các sản phẩm từ sữa, đậu, các loại hạt và ngũ cốc.
Tăng cường chất lượng bữa ăn là phương pháp đơn giản – bền vững có khả năng ngăn ngừa và điều trị không chỉ thiếu máu mà còn cả suy dinh dưỡng. Nhưng việc thực hiện có thể gặp nhiều khó khăn do hạn chế về thực phẩm sẵn có tại địa phương, khả năng kinh tế, khẩu vị, thói quen ăn uống … mỗi người/mỗi vùng khác nhau
Bổ sung từ thuốc: thế nào mới tốt?
Bổ sung từ thuốc thì vi chất dinh dưỡng có thể được cung cấp với số lượng mong muốn, khả dụng sinh học cao và tiện dùng với hầu hết mọi đối tượng.
Bổ sung sắt được sử dụng rộng rãi để ngăn ngừa/điều trị tình trạng thiếu sắt và thiếu máu. Tuy nhiên liệu pháp uống sắt thường bị hạn chế do gặp các tác dụng phụ khó chịu như buồn nôn và đau thượng vị
Theo khuyến cáo của viện dinh dưỡng Quốc Gia Việt Nam, lượng sắt phụ nữ mang thai cần bổ sung (bao gồm từ thức ăn và thuốc bổ sung) là:
- – 27,4mg sắt nguyên tố/ngày (nếu khẩu phần ăn của mẹ đạt >90gam thịt, cá/ngày hoặc lượng Vitamin C> 75mg/ngày)
- – 41,1 mg sắt nguyên tố/ngày (nếu khẩu phần ăn của mẹ <90gam thịt, cá/ngày hoặc lượng Vitamin C < 75mg/ngày)
Ngoài sắt, các vi chất dinh dưỡng khác rất quan trọng đối với quá trình tạo máu, thiếu hụt các dưỡng chất này cũng góp phần vào sự phát triển của bệnh thiếu máu:
- Axit folic đóng vai trò trung tâm trong quá trình tạo hồng cầu. Đặc biệt phụ nữ mang thai có nguy cơ thiếu axit folic cao
- Vitamin A hoạt động trên một số giai đoạn chuyển hóa sắt: nó làm tăng hấp thu sắt, huy động sắt và tạo hồng cầu. Bổ sung đủ Vitamin A trong thời kỳ mang thai có liên quan đến việc giảm thiếu máu ở bà mẹ
- Vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo hồng cầu. Thiếu hụt vitamin B12 có thể dẫn đến sự phát triển của bệnh thiếu máu hồng cầu khổng lồ. Vitamin B 12 chỉ được sản xuất bởi vi sinh vật, do đó những người ăn chay, thuần chay và những người ít ăn các sản phẩm động vật có nguy cơ thiếu hụt vitamin B12 .
- Các vitamin và khoáng chất khác (ví dụ như vitamin C, vitamin E, kẽm hoặc đồng) cũng cần thiết cho chức năng tạo máu và enzym bình thường. Thiếu hụt các dưỡng chất này có thể góp phần phát triển bệnh thiếu máu dinh dưỡng
Các vi chất dinh dưỡng sẽ tương tác trong cơ thể để duy trì chức năng sinh lý bình thường. Chế độ ăn nghèo nàn thường dẫn tới thiếu một số vi chất dinh dưỡng cùng một lúc chứ không phải chỉ thiếu sắt. Vì vậy, thay vì chỉ chú tâm bổ sung sắt riêng lẻ thì trước tiên mẹ cần tăng cường chất lượng bữa ăn để cung cấp đầy đủ dưỡng chất và bổ sung viên đa vi chất tổng hợp mỗi ngày.
Bổ sung đa vi chất dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai đã được chứng minh là giúp cải thiện kết quả sinh nở. Đây là cách hiệu quả và kinh tế để cung cấp dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai.
Viên đa vi chất dinh dưỡng nên được sử dụng thường xuyên và cần chứa một lượng khuyến nghị hàng ngày (RDA) các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu như: vitamin A, vitamin B1 , vitamin B2 , niacin, vitamin B6 , vitamin B12, axit folic, vitamin C, vitamin D, vitamin E, iốt, sắt, kẽm…
Như vây, để phòng chống thiếu máu trước tiên cần tăng cường chất lượng bữa ăn hàng ngày. Song song với đó là bổ sung viên đa vi chất tổng hợp để cung cấp đầy đủ – toàn diện các dưỡng chất cần thiết cho quá trình tạo máu. Tăng cường bổ sung sắt nếu có thiếu hụt sắt đặc biệt và lưu ý bổ sung sắt theo đúng chỉ định của bác sĩ để hạn chế tối đa tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.
Tham khảo:
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov
- Sách Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam 2016 (Nxb Y Học)
DS. Lê Tiến tổng hợp