Khoảng 80% phụ nữ mang thai gặp phải triệu chứng ốm nghén ở giai đoạn 3 tháng đầu. Ốm nghén là tập hợp các triệu chứng buồn nôn, nôn ói, mệt mỏi do sự thay đổi nội tiết tố khi mang bầu. Vậy ốm nghén thường xuất hiện vào khi nào trong thai kỳ và cách giảm tình trạng ốm nghén ra sao?
Nội dung chính trong bài
Tình trạng ốm nghén trong thai kỳ
Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ốm nghén. Khi nồng độ progesterone tăng cao sẽ làm giãn các cơ của hệ tiêu hóa và thức ăn trong dạ dày sẽ bị đẩy lên thực quản dẫn đến cảm giác buồn nôn. Progesterone tăng còn làm thức ăn trong dạ dày chậm tiêu hóa hơn bình thường, gây chứng khó tiêu.
Tùy vào thể trạng của từng người mà khi mang thai có những biểu hiện ốm nghén khác nhau và mức độ nặng nhẹ, cường độ cũng khác nhau. Buồn nôn, nôn là biểu hiện thường gặp nhất của ốm nghén. Ngoài ra còn có thể đi kèm một số triệu chứng khác như thèm ăn và chán ăn, nhức đầu, mệt mỏi, chóng mặt… Tình trạng này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày hoặc có thể kéo dài cả ngày.
Có thai bao lâu thì nghén và kết thúc khi nào?
Kỳ kinh cuối cùng được coi là tuần đầu tiên của thai kỳ, lúc này tinh trùng mời bắt đầu gặp trứng sau đó mới phát triển thành phôi thai và cấy vào thành tử cung để làm tổ để phát triển. Chính vì thế trong những tuần đầu tiên của thai kì, hầu hết phụ nữ sẽ chưa có triệu chứng, biểu hiện mang thai nào rõ rệt.
Vậy có thai bao lâu thì mới bắt đầu ốm nghén? Thường thì biểu hiện buồn nôn, nôn sẽ bắt đầu khoảng từ tuần thứ 4 – 6 thai kỳ, ngay khi nhận thấy mình bị trễ kinh nguyệt và bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu có thai. Chứng ốm nghén sẽ biểu hiện nặng nhất là vào khoảng tuần thai thứ 8 – 9 của thai kỳ. Cho đến khoảng tuần thai thứ 12 – 14 khi mà các cơ quan của thai nhi đã phát triển tương đối hoàn thiện thì chứng ốm nghén sẽ thuyên giảm dần và biến mất hoàn toàn. Chỉ một số nhỏ (khoảng 10%) còn bị buồn nôn và nôn kéo dài trong suốt thai kỳ đến lúc sinh.
Nếu tình trạng ốm nghén kéo dài, liên tục qua thời điểm này dù ở mức độ nặng hay nhẹ thì cũng nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ để được hỗ trợ thêm tránh để ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Ốm nghén ảnh hưởng thế nào đến thai kỳ?
Thực chất ốm nghén không gây hại đến thai nhi nhưng nếu bà bầu bị nghén ở mức độ nặng, cường độ diễn ra nhiều thì sẽ khó đảm bảo dinh dưỡng nên nó gây hại đến sức khỏe của mẹ và từ đó ảnh hưởng đến thai nhi.
Ốm nghén xuất hiện ở giai đoạn đầu mang thai và đây cũng là giai đoạn nguy hiểm khi mà tỉ lệ động thai, sảy thai, thai lưu cũng xảy ra ở giai đoạn này. Nếu mẹ bầu bổ sung được đầy đủ nguồn dinh dưỡng, được nghỉ ngơi, tâm lý thoải mái thì cơ thể sẽ luôn khỏe mạnh trong quá trình mang thai. Nhưng rõ ràng nếu nôn, đau đầu, mệt mỏi nhiều sẽ không đảm bảo được dinh dưỡng, thêm vào đó là trạng thái căng thẳng, lo lắng sẽ khiến cho cơ thể bị suy nhược và có thể làm tăng nguy cơ động thai, sảy thai.
Theo những nghiên cứu mới đây nhất còn cho thấy, ốm nghén nặng kéo dài còn có thể dẫn đến các vấn đề như tắc ruột, nhiễm trùng đường tiết niệu, tiền sản giật, tăng huyết áp, suy yếu chức năng gan… ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sản phụ và thai nhi. Vì vậy, bà bầu không nên chủ quan với các biểu hiện của ốm nghén trong quá trình mang thai. Dưới đây là những biện pháp giảm ốm nghén bà bầu có thể tham khảo để giúp mình thoát khỏi tình trạng ốm nghén và có một thai kỳ khỏe mạnh.
Các biện pháp giảm ốm nghén khi mang thai
Ốm nghén tuy là hiện tượng bình thường trong thai kỳ nhưng để “chung sống” với những triệu chứng không mấy dễ chịu này, cho dù nghén nhưng vẫn không quá mệt mỏi, vẫn đảm bảo ăn đủ chất cho thai nhi phát triển thì bà bầu có thể tham khảo những biện pháp sau đây:
Chú ý trong ăn uống
- Tránh thực phẩm và mùi gây buồn nôn cho bạn, nên tránh những đồ cay, nóng và lựa chọn những loại đồ ăn có tác dụng làm dịu tình hình ốm nghén nhưng vẫn cung cấp năng lượng cần thiết để duy trì thai kỳ tốt như: ngũ cốc, bánh quy, bánh mì, ngô, các loại đậu và đậu Hà Lan với thịt nạc nhiều đạm như thịt heo, bò, thịt gia cầm bỏ da, hoặc đậu phụ.
- Thay vì ăn ba bữa ăn lớn bà bầu nên chia nhỏ các bữa ăn thành nhiều bữa để tránh tình trạng ăn quá no, ăn nhiều cùng một lúc. Không nên để bụng đói và lựa chọn những món ăn mà mình thích.
- Khẩu phần ăn đa dạng để không bị nhàm chán và có cảm giác sợ đồ ăn. Ăn đồ tươi, nấu chín, và chú trọng đến các thực phẩm giàu sắt, canxi, acid folic.
- Uống ít nhất 2 lít nước hàng ngày (bao gồm cả nước, đồ uống, canh, v.v…) với số lượng nhỏ uống thường xuyên
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C như: cam, chanh, quýt, bưởi… cũng có tác dụng giảm buồn nôn. Vitamin C còn giúp bảo vệ cơ thể chống sự tấn công của các loại vi khuẩn
Thay đổi lối sống, sinh hoạt hợp lý
- Giữ phòng luôn thông thoáng, sạch sẽ và trong lành.
- Nghỉ ngơi hợp lý. Lắng nghe cơ thể những khi cảm thấy mệt mỏi thì cần nghỉ ngơi và thư giãn.
- Giữ tinh thần lạc quan để có một sức khỏe tốt. Càng lo lắng, stress thì tình trạng ốm nghén càng trầm trọng.
Tránh xa môi trường ô nhiễm, nhiều mùi
Một không gian thoáng đãng, không có quá nhiều mùi vị hỗn tạp rất tốt cho bà bầu tránh khỏi ốm nghén, buồn nôn. Do đó, mẹ bầu nên cố gắng tránh xa những nơi có mùi khó chịu làm bạn muốn nôn ói.
Sử dụng gừng, chanh
Gừng và chanh là vị thuốc tự nhiên có thể điều trị buồn nôn và nôn do nghén nặng trong thai kỳ. Ngửi gừng hoặc chanh, hoặc uống nước gừng hoặc nước chanh, ăn bánh gừng, kẹo gừng, trà gừng có thể giúp giảm cảm giác buồn nôn và trị các cơn buồn nôn nặng.
Bổ sung Vitamin B6
Bổ sung Vitamin B6 để hỗ trợ quá trình phát triển của các tế bào hồng cầu, giảm tình trạng thiếu máu, chóng mặt, đau đầu khi mang thai.
Xem chi tiết tại: Cách chữa ốm nghén khi mang thai
Bên cạnh việc sử dụng những biện pháp làm giảm tình trạng ốm nghén mẹ bầu cần lắng nghe những thay đổi của cơ thể. Nếu tính trạng ốm nghén không thuyên giảm mà có một số biểu hiện sau đây thì cần gặp bác sĩ để được tư vấn hướng dẫn điều trị kịp thời:
- Sút cân, sức khỏe giảm sút trầm trọng trong thời gian ngắn.
- Nôn nghén kéo dài sau thời kỳ 3 tháng đầu.
- Nôn nghén quá mức ảnh hưởng quá lớn đến đời sống và sinh hoạt hàng ngày.
- Nôn nghén nặng kèm bụng lớn quá nhanh so với tuổi thai.
- Đi tiểu lượng rất ít hoặc nước tiểu có màu đỏ sẫm
- Chóng mặt hoặc thường xuyên ngất xỉu khi đứng dậy
Ốm nghén là biểu hiện thường gặp và xuất hiện ở giai đoạn đầu của thai kỳ. Việc thay đổi lối sống, cách bổ sung dinh dưỡng, sinh hoạt có thể giúp giảm bớt những triệu chứng khó chịu của tình trạng này. Khi cơ thể có biểu hiện bất thường hoặc tình trạng ốm nghén ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống thì cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn về sức khỏe, tâm lý, chỉ định phù hợp với thai kỳ giúp sớm cân bằng lại sức khỏe, ổn định tinh thần để có một thai kỳ thật khỏe mạnh như mong đợi.
Theo Dinhduongbabau.net
Ut says
chào bác sĩ. em quan hệ vào ngày 4/5 vậy mai e thử que liệu có được chưa hay chờ thêm mấy hôm nữa ạ
Hiển thị trả lời
Dinh Dưỡng Bà Bầu says
Chào bạn,
Sau khi quan hệ 10 ngày bạn có thể dùng que thử thai để kiểm tra, lưu ý cần sử dụng que thử thai đúng cách, bạn nên dùng que thử thai vào sáng sớm để có kết quả chính xác cao.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp dùng que thử thai cho kết quả sai vì vậy bạn nên dùng que thử thai hai lần, sau lần thứ nhất khoảng 1 tuần. Ngoài ra, bạn cũng có thể tới bệnh viện để làm xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ beta HCG trong máu để có kết quả chính xác có thai hay không nhé.
Chúc bạn mạnh khỏe!
Hiển thị trả lời