Bên cạnh niềm vui sướng khi được làm mẹ thì đâu đó vẫn có chút lo lắng của những bà mẹ mang thai lần đầu bởi những thay đổi bên trong cơ thể và những băn khoăn làm sao để bé phát triển khỏe mạnh. Dưới đây là tất tần tật những thay đổi của mẹ, sự tăng trưởng của bé, dinh dưỡng cho mẹ mang thai tháng đầu.
Nếu bạn đã nhận thấy được dấu hiệu mang thai hoặc đã xác định bạn đang có thai thì bạn sẽ bắt đầu nhận thấy những thay đổi bên trong cơ thể ở những tuần đầu tiên sau khi thụ thai, đó có thể là chứng đau tức ngực, buồn nôn, thay đổi tâm trạng, chóng mặt. Tuy nhiên một số người phải đến tuần thứ 6 mới có thể nhận ra những thay đổi này và lúc này thai nhi đã phát triển gấp 10.000 lần kích thước ban đầu trong tử cung.
Nội dung chính
Sự tăng trưởng của em bé
Tuổi của thai nhi được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng nhưng đến tuần thứ 3 trứng được thụ tinh mới di chuyển về phía tử cung, trứng đi qua ống dẫn trứng và phân chia nhiều lần. Dù vậy, nó vẫn là một khối thống nhất với hàng trăm tế bào khi đi chuyển đến tử cung. Khi trứng thụ tinh và cấy vào lớp niêm mạc tử cung thì mẹ mới chính thức có thai. Dưới đây là sự phát triển của thai nhi theo từng tuần trong tháng đầu tiên:
– Tuần 1: Ở tuần đầu tiên, bé yêu chỉ là một búi nhỏ các tế bào, được gọi là túi phôi, chứa một khối tế bào bên trong sẽ phát triển thành phôi thai, một khoang chứa chất lỏng trở thành túi nước ối. Khối tế bào bên ngoài sẽ hình thành nhau thai, mang oxy duy trì sự sống, chất dinh dưỡng cho bé và lấy đi các chất thải.
– Tuần 2: Lúc này, bé chỉ là một quả cầu tí hon gồm vài trăm tế bào đang nhân lên nhanh chóng. Khi khối tế bào này (gọi là túi phôi) đã cư trú trong tử cung của bạn, phần sẽ phát triển thành nhau thai bắt đầu sản xuất các hormone thai kỳ HCG (human chorionic gonadotropin), báo hiệu cho buồng trứng ngừng sản sinh trứng và tăng sự tiết hormone estrogen và progesterone, giữ tử cung của bạn không loại bỏ lớp nội mạc và cư dân nhỏ bé của mình đồng thời kích thích tăng trưởng nhau thai.
– Tuần 3: Tuần này đánh dấu sự bắt đầu của thai kỳ. Từ nay cho đến 10 tuần tuổi, tất cả các cơ quan trong cơ thể bé bắt đầu phát triển và một số bắt đầu hoạt động. Vì vậy, bé dễ bị tổn thương với bất cứ sự can thiệp vào quá trình phát triển của bé trong giai đoạn này. Ngay bây giờ bé là một phôi thai nhỏ bé, bao gồm hai lớp: nội bì và biểu bì, từ đó tất cả các cơ quan và bộ phận cơ thể của bé sẽ phát triển.
– Tuần 4: Sâu trong tử cung, phôi thai đang tăng trưởng mãnh liệt. Tại thời điểm này, bé có kích thước của một hạt mè và trông giống như một con nòng nọc nhỏ hơn một con người, gồm có ba lớp: ngoại bì, trung bì và nội bì, để hình thành tất cả các cơ quan và mô cho cơ thể bé sau này.
Sự thay đổi ở mẹ bầu
Trễ kinh
“Đèn đỏ” bị lỡ chính là dấu hiệu mang bầu đầu tiên của chị em. Thường thì đây là dấu hiệu đầu tiên mà mẹ để ý và nghĩ rằng mình có thai.
Ngực sưng
Giống với một biểu hiện của đến tháng, khi mang thai ngực bạn sẽ đau, sưng và nhạy cảm hơn nguyên nhân là do lượng estrogen và progesterone tăng lên nên ngực sẽ giữ nước nhiều hơn và chị em cảm thấy đau, nặng nề, nhạy cảm hơn.
Ốm nghén
Tùy vào cơ địa của từng người mới có biểu hiện ốm nghén, ốm nghén thường cuất hiện sớm nhất sau 2 tuần trứng được thụ thai. Khi hormone progesterone tăng cao sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa dẫn đến tính trạng táo bón khi mang thai, khó tiêu, đầy bụng nên bạn sẽ có cảm giác buồn nôn. Buồn nôn còn có thể do hormone Hcg xuất hiện trong máu và nước tiểu, nếu lượng Hcg càng cao thì cảm giác buồn nôn càng nhiều.
Đi tiểu thường xuyên
Khi thai nhi phát triển chèn vào bàng quang sẽ khiến mẹ thường xuyên đi tiểu, đây là dấu hiệu sớm của thai kỳ chứ không xuất hiện muộn. Bên cạnh áp lực của thai nhi lên bàng quang còn việc những dòng máu làm việc nhiều hơn cũng khiến mẹ thường xuyên đi tiểu hơn.
Mệt mỏi
Trong tháng đầu tiên, cơ thể mẹ sẽ phải làm việc 24/7 để nuôi dưỡng thai nhi nên cảm giác mệt mỏi là hoàn toàn bình thường. Hormone Progesterone trong cơ thể của mẹ tăng lên khiến nhiệt độ cơ thể mẹ tăng lên, làm mẹ thiếu năng lượng và mệt mỏi hơn.
Ngoài ra, trái tim của mẹ lúc này cũng phải bơm máu nhanh hơn để cung cấp thêm oxy vào từ cung cho thai nhi nên cũng sẽ làm mẹ mệt hơn bình thường.
Thay đổi khẩu vị
Nhiều phụ nữ mang thai sẽ không thích những món ăn khoái khẩu trước kia hoặc có thể là họ còn trở nên thích các loại đồ ăn kỳ lạ hoặc các món ăn mà trước đó chưa từng ăn.
Xuất hiện đốm máu
Dấu hiệu chảy máu nhẹ hoặc xuất hiện đốm máu ở những tuần đầu thai kỳ do trứng thụ tinh bám vào lớp niêm mạc ở tử cung.
Chảy máu xảy ra cũng có thể do sự kích thích cổ tử cung, thai ngoài tử cung hoặc dấu hiệu sảy thai. Vì vậy mẹ cần theo dõi cẩn thận để phòng nguy cơ rủi ro cao.
Tâm trạng thay đổi
Hormone trong cơ thể thay đổi đột ngột cũng khiến cảm xúc của mẹ thất thường hơn. Nếu bỗng dưng mẹ cảm thấy muốn khóc hay tự nhiên buồn thảm thì có thể tâm trạng mẹ đang thay đổi do mang bầu. Đây là dấu hiệu rất phổ biến trong những tháng đầu mang thai.
Các triệu chứng khác
Khi mang bầu mẹ còn có một số biểu hiện như: chóng mặt, có khi là ngất xỉu khi mới mang thai. Progesterone còn khiến cho đầu óc mẹ bầu bị quay cuồng và làm cơ thể nóng hơn, các mạch máu giãn ra và làm hạ huyết áp. Ngoài ra, một lượng máu lớn được chuyển vào tử cung nên máu đến não có thể sẽ chậm hơn khiến mẹ gặp tình trạng này khi đứng lên, ngồi xuống.
Chế độ dinh dưỡng khi mang thai tháng đầu
Tháng đầu thai kỳ là khoảng thời gian cơ thể mẹ thay đổi rất nhiều để dần thích nghi với sự phát triển của bé cưng trong bụng. Trong tháng này, bạn không cần tăng quá nhiều kg nhưng nhất định phải chú ý bổ sung đầu đủ dưỡng chất cho cơ thể.
Đối với những phụ nữ có cân nặng bình thường, bạn cần bổ sung thêm khoảng 200- 300 calo trong thực đơn hàng ngày để bảo đảm tăng từ 0,9 kg đến 2,3 kg trong suốt 3 tháng này. Tuy nhiên, đối với những phụ nữ thừa cân béo phì, bạn không cần tăng thêm cân nặng trong khoảng thời gian này mà chỉ nên chú trọng đến việc bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho thai nhi.
Xem thêm: Mới mang thai mẹ nên ăn gì?/Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu
Lời khuyên cho mẹ mang thai tháng đầu
- Đặt lịch hẹn với bác sĩ chuyên khoa sản. Khi đi khám, mẹ cần thông báo với bác sĩ tiền sử bệnh tật của mình đồng thời tham khảo lời khuyên từ chuyên gia.
- Bổ sung axit folic đều đặn hàng ngày để phòng ngừa tật nứt đốt sống và các vấn đề liên quan đến não thai nhi. Phụ nữ mang bầu nên bổ sung khoảng 400 mcg axit folic mỗi ngày.
- Tránh uống rượu, hút thuốc khi mang bầu vì những thói quen này có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung hoặc sảy thai.
- Duy trì chế độ ăn uống đảm bảo dưỡng chất và tránh những thực phẩm không lành mạnh như sữa chưa tiệt trùng, pho mát làm từ sữa chưa tiệt trùng, trứng chưa nấu chín, thực phẩm tái sống.
- Nghỉ ngơi và tránh bị căng thẳng trong tháng đầu thai kỳ.
- Thư giãn bằng cách đi ngủ sớm, đọc sách, nghe nhạc và làm những việc mình yêu thích.
- Đau bụng nhẹ là triệu chứng phổ biến khi mới mang thai nhưng nếu đi kèm với chứng ra máu, đau quặn thắt thì cần đến bệnh viện.
- Hạn chế tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa và luôn đeo găng tay khi tiếp xúc. Luôn mở cửa phòng thoáng khi dọn dẹp nhà cửa.
Xem thêm: Những điều cấm kỵ khi mang thai