Hiện nay, siêu âm thai là phương pháp theo dõi sự phát triển của thai nhi trong suốt quá trình mang thai rất phổ biến ở khắp mọi nơi. Nhưng không phải người mẹ nào cũng hiểu được tầm quan trọng của việc siêu âm thai cũng như siêu âm như thế nào là đủ, là đúng và tốt nhất. Những kiến thức dưới đây sẽ giúp các mẹ bầu hiểu hơn về siêu âm thai và những điều mẹ bầu cần lưu ý khi siêu âm thai.
Nội dung chính
Siêu âm thai là gì?
Siêu âm thai là việc sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của con yêu cũng như nhau thai, tử cung, cùng các cơ quan khác nằm trong khung xương chậu giúp các bác sĩ phụ sản thu thập thông tin có giá trị về sự tiến triển của thai kỳ và sức khỏe của bé.
Khi được siêu âm, bác sĩ sẽ bôi một ít gel đặc biệt lên bụng bạn, sau đó dùng một thiết bị cầm tay (bộ chuyển đổi) trên da di chuyển để truyền hình ảnh em bé trong bụng lên màn hình.
Trong quá trình kiểm tra, máy siêu âm truyền các sóng âm qua tử cung và cơ thể của con sẽ phản xạ lại loại sóng này. Sau đó, máy tính sẽ dịch sóng âm thanh, tái tạo thành hình ảnh video cho thấy hình dạng, vị trí và các cử động của em bé.
Hình ảnh siêu âm được hình thành bằng cách sử dụng các sóng âm thanh. Máy gửi các sóng âm thanh thông qua cơ thể; sau đó, phản xạ trở lại và chuyển đổi thành một hình ảnh được hiển thị trên màn hình. Chính vì thế trong quá trình siêu âm bạn cũng có thể nghe được tiếng nhịp tim của em bé đập.
Các loại siêu âm thai hiện nay
- Siêu âm thai 2D: là siêu âm 2 chiều với hình ảnh trắng đen, là phương pháp lâu đời nhất giúp các bác sỹ có thể chuẩn đoán có thai hay không, xác định thai nhiều phôi hay 1 phôi, kiểm tra vị trí thai nằm trong tử cung hay ngoài tử cung, xác định những bất thường bẩm sinh ở thai nhi,… thường dùng để đo độ dài và kích thước, đường cắt của bào thai so với hình thể bình thường.
- Siêu âm thai 3D: là siêu âm 3 chiều, cho ra hình ảnh màu đúng với kích thước thật của thai nhi. Ưu điểm của siêu âm 3D là dễ dàng phát hiện dị tật bẩm sinh của thai nhi, nhưng có nhược điểm là độ chính xác về kích thước cũng như tuổi thai không bằng siêu âm 2D.
- Siêu âm thai 4D: thực chất ra vẫn là siêu âm 3D với hình ảnh động. Ưu điểm là thấy được hình ảnh thật đang cử động của bé tuy nhiên do quá trình lưu file lâu các tia bức xạ trong quá trình siêu âm nhiều có thể gây hại cho mẹ và bé.
Lợi ích của siêu âm thai
Siêu âm thai sẽ giúp theo dõi được sự phát triển của thai nhi trong từng giai đoạn, kiểm tra và phát hiện sớm những bất thường để bác sĩ có giải pháp can thiệp kịp thời tránh nguy hiểm đến cả mẹ và thai nhi. Ngoài ra, siêu âm thai còn mang đến cho mẹ bầu khá nhiều lợi ích. Lợi ích của siêu âm thai tùy vào từng giai đoạn, cụ thể như:
Lợi ích của siêu âm thai trong tam cá nguyệt thứ nhất
- Xác nhận bạn đã có thai
- Biết được ngày dự sinh: Siêu âm giúp chẩn đoán ngày dự sinh chính xác cũng như giảm nguy cơ sinh muộn hơn.
- Kiểm tra nhịp tim của thai nhi: Bác sĩ hoặc chuyên viên kỹ thuật sẽ sử dụng máy Doppler cầm tay để nghe nhịp tim của thai nhi nhằm phát hiện các vấn đề bất thường.
- Xác định thai ngoài tử cung: Thai ngoài tử cung sẽ có các triệu chứng riêng như đau bụng, chảy máu và xuất hiện từ tuần thứ 8 – 10 của thai kỳ nhưng siêu âm sẽ giúp mẹ bầu loại bỏ được các biến chứng hay xác nhận rằng đang gặp phải tình trạng này.
- Xác định những bất thường ở thai nhi
Trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba
- Biết giới tính của thai nhi: Một lợi ích rõ ràng của việc siêu âm là biết được giới tính của thai nhi. Từ đó giúp hạn chế các bệnh di truyền liên quan đến nhiễm sắc thể giới tính.
- Xác định đa thai: Một số phụ nữ mang thai đôi không có bất kỳ dấu hiệu nào. Vì vậy, siêu âm là một cách để xác định rõ ràng tình trạng đa thai.
- Kiểm tra tình trạng nước ối: Các hình ảnh siêu âm giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng nước ối của mẹ bầu qua đó đánh giá tình trạng sức khỏe của thai nhi.
- Gắn kết tình cảm: Một số bà mẹ muốn nhìn thấy con mình khi bé còn trong tử cung như một cách để kết nối với con yêu và để đảm bảo mọi thứ đang phát triển bình thường.
- Kiểm tra những bất thường ở nhau thai.
- Phát hiện khả năng thai nhi gặp phải hội chứng Down.
- Đo chiều dài cổ tử cung để xác định mẹ bầu có gặp phải tình trạng cổ tử cung ngắn hay không.
Siêu âm thai có hại cho thai nhi không?
Thực tế chưa có nghiên cứu nào kết luận rằng siêu âm thai có hại cho thai nhi. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mẹ bầu có thể siêu âm tùy hứng vì siêu âm là một dạng năng lượng đặc biệt và có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Điều này có thể đặc biệt đúng trong ba tháng đầu, khi con yêu dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Do vậy, hãy siêu âm khi thật sự cần thiết, khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường và theo lịch trình mà bác sĩ chỉ định.
Những mốc quan trọng bạn cần siêu âm thai
Nếu như không thể đi siêu âm thai thường xuyên nhưng bạn nhất thiết cần phải nhớ những mốc siêu âm thai quan trọng dưới đây:
- Tuần 4-8 của thai kỳ: Đây là lần siêu âm giúp bác sĩ kiểm tra chắc chắn xem thai đã vào tử cung an toàn, làm tổ và tim thai đã có hay chưa.
- Từ tuần 12 -14 của thai kỳ: Đây là thời điểm bác sĩ siêu âm có thể xác định được tuổi thai một cách chính xác nhất. Và điều quan trọng hơn đây là thời điểm mà bác sĩ có thể đo khoảng sáng sau gáy nhằm dự đoán một số bất thường nhiễm sắc thể (những bất thường này có thể là nguyên nhân gây bệnh Down, dị dạng tim, chi, thoát vị cơ hoành…). Nếu bạn mang thai đơn hay đôi thì đây cũng là thời điểm bác sĩ siêu âm có thể cho bạn kết quả chính xác nhất.
- Từ tuần 21 – 24 của thai kỳ: Hầu hết các cơ quan bên trong thai nhi đều được bác sĩ siêu âm kiểm tra để đảm bảo thai phát triển bình thường. Các cột sống, hộp sọ, não, tim, phổi, thận, cánh tay và chân của thai nhi ở thời kỳ này đều có thể được nhìn thấy. Ngoài ra, bác sĩ có thể phát hiện hầu hết các bất thường về hình thái của thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan nội tạng. Thời gian này đặc biệt quan trọng còn bởi vì những đình chỉ thai nghén chỉ có thể được thực hiện trước tuần thứ 28.
- Từ tuần 30 – 32 của thai kỳ: Những bất thường xuất hiện muộn như bất thường ở động mạch, tim và một vùng cấu trúc não sẽ được bác sĩ siêu âm phát hiện ở thời điểm siêu âm này. Thời điểm nay, khi siêu âm bác sĩ còn kiểm tra dây rốn xem nó còn đủ tốt để vận chuyển dinh dưỡng nuôi bào thai hay không, vị trí của nhau thai và tình trạng nước ối (đục hay trong, nhiều hay ít) cũng được bác sĩ kiểm tra trong lần siêu âm này.
>>> Tham khảo thêm: Lịch khám thai chuẩn 2018 mẹ bầu không nên bỏ qua
Những điều cần lưu ý về siêu âm thai
Mỗi mốc siêu âm sẽ giúp bác sĩ theo dõi sự phát triển của mẹ và bé có bình thường hay không, hoặc thai nhi có gặp rắc rối gì không cũng như xác định tuổi của thai.
Tuy chưa có nghiên cứu nào khẳng định việc siêu âm có ảnh hưởng không tốt tới thai nhi nhưng mẹ bầu cũng không vì thế mà lạm dụng vì có những vùng rất nhạy cảm với sóng siêu âm như mắt hoặc tuyến sinh dục.
Cần lưu ý xem mốc siêu âm nào cần nhịn tiểu, mốc nào cần đi tiểu hết để cho hình ảnh siêu âm rõ ràng hơn.
Ngoài ra, các mẹ cũng lưu ý, mặc dù siêu âm giúp các bác sĩ phát hiện sớm các dị tật ở thai nhi nhưng không có nghĩa là chính xác 100%, có nhiều trường hợp, khi bé được sinh ra bác sĩ mới phát hiện dị tật ở bé.
Vì sự phát triển khỏe mạnh của bé ngay khi còn trong bào thai, việc siêu âm thai vào đúng các mốc quan trọng cần được các mẹ chú ý đặc biệt. Siêu âm chính là cách duy nhất để bạn biết bé yêu cần và muốn gì.
Siêu âm thai và những kiến thức quan trọng về siêu âm thai mà chúng tôi đã chia sẻ trên đây, hi vọng sẽ giúp các thai phụ hiểu hơn về quá trình siêu âm cũng như những lưu ý cần thiết phải ghi nhớ nằm lòng trong suốt thời gian mang bầu để đảm bảo cho cả mẹ và bé luôn khỏe mạnh.