Lên kế hoạch cho việc chuẩn bị mang thai là cơ hội để các cặp vợ chồng có đủ thời gian cần thiết nhằm xem xét, cân nhắc các nguy cơ xảy ra trong quá trình mang thai và nếu cần thiết sẽ đưa ra một biện pháp tích cực nào đó để giải quyết chúng. Dưới đây là 10 câu hỏi các cặp vợ chồng cần được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định mang thai:
Nội dung chính
- 1 1, Vợ hoặc chồng có bị mắc các bệnh mãn tính nào không?
- 2 2, Vợ hoặc chồng có ai bị mắc bệnh di truyền không?
- 3 3, Trước khi mang thai người vợ cần tiêm phòng gì?
- 4 4, Hai vợ chồng có sử dụng biện pháp tránh thai nào không?
- 5 5, Chế độ dinh dưỡng hợp lý trước khi mang thai?
- 6 6, Có cần bổ sung thuốc bổ trước khi mang thai không?
- 7 7, Cần tránh làm gì để đảm bảo tốt cho việc thụ thai?
- 8 8, Môi trường làm việc hiện tại có phù hợp với hai vợ chồng không?
- 9 9, Sắp xếp công việc như thế nào để thuận lợi khi mang thai?
- 10 10, Hai vợ chồng có đảm bảo đủ tài chính cho kế hoạch mang thai và sinh con không?
1, Vợ hoặc chồng có bị mắc các bệnh mãn tính nào không?
Khi người chồng đang mắc một số bệnh mãn tính và sử dụng các loại thuốc điều trị như cao huyết áp, thấp khớp, động kinh, tiểu đường, Basedow… thì nên báo cho bác sỹ biết ý định có con của mình. Bởi những loại thuốc này có ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng và chất lượng tinh trùng. Bác sĩ có thể thay đổi thuốc để không cản trở việc thụ thai và không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.
Có một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai… có thể dẫn đến vô sinh nếu không được điều trị kịp thời mà ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Do đó nếu vô tình một trong hai người bị mắc bệnh lây truyền trên cần phải đến các trung tâm y tế để được điều trị dứt điểm và nhờ sự tư vấn giúp đỡ của các bác sĩ chuyên khoa.
2, Vợ hoặc chồng có ai bị mắc bệnh di truyền không?
Nếu trong gia đình có người thân bị bệnh di truyền như: máu khó đông, thiếu máu, hồng cầu hình lưỡi liềm, xơ nang, rối loạn nhiễm sắc thể, chậm phát triển trí tuệ, mắc các dị tật bẩm sinh hay khuyết tật ống thần kinh… thì các cặp vợ chồng nên lắng nghe hướng dẫn của bác sĩ để đánh giá mức độ rủi ro có nguy cơ thai nhi mắc phải và biện pháp khắc phục, phòng ngừa. Việc tìm hiểu bệnh sử gia đình sẽ đem lại những thông tin quan trọng giúp đảm bảo em bé được sinh ra khỏe mạnh, an toàn.
3, Trước khi mang thai người vợ cần tiêm phòng gì?
Để đảm bảo an toàn trong quá trình mang thai và bảo vệ sức khỏe người mẹ và em bé, người vợ cần tiêm phòng trước khi mang thai từ trước 3 – 6 tháng tùy vào từng vắc xin. Các vắc xin phổ biến cần chích ngừa trước khi mang thai là: thủy đậu, rubella, sởi, quai bị, cúm, viêm gan B, HPV…
4, Hai vợ chồng có sử dụng biện pháp tránh thai nào không?
Nếu muốn có em bé, hai vợ chồng cần ngưng các biện pháp tránh thai để tinh trùng có thể tiếp cận trứng. Với các biện pháp tránh thai như dùng bao cao su, các cặp đôi có thể có em bé ngay sau khi ngưng sử dụng. Tuy nhiên, với biện pháp sử dụng thuốc ngừa thai, các bác sĩ và chuyên gia y tế khuyên: thông thường sau khi uống thuốc ngừa thai thì nội tiết của cơ thể bị thay đổi để thích ứng với hoocmon do thuốc đưa vào. Khi ngừng thuốc thì nội tiết lại bị thay đổi tiếp, nên chu kì kinh nguyệt thường nhảy lung tung. Chính vì thế nếu muốn có em bé, người vợ nên để cơ thể “nghỉ ngơi” để hồi phục các chức năng cơ cấu nội tiết khoảng 3 tháng để cơ thể trở lại chu kỳ sinh học bình thường.
5, Chế độ dinh dưỡng hợp lý trước khi mang thai?
Các cặp vợ chồng sẽ gia tăng cơ hội mang thai và sinh hạ một em bé thông minh, khỏe mạnh nếu tuân theo một chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, khoa học và hợp lý. Một số nghiên cứu của các nhà khoa học gần đây còn cho biết việc ăn uống trước khi mang thai không chỉ khiến cho việc thụ thai trở lên dễ dàng hơn mà còn ảnh hưởng đến AND và giới tính của thai nhi. Vì vậy, nếu các cặp vợ chồng có kế hoạch sinh em bé có ”nếp” có ”tẻ” trong gia đình thì cần chú ý cập nhật những kiến thức về chế độ dinh dưỡng trước khi mang thai này nhé.
6, Có cần bổ sung thuốc bổ trước khi mang thai không?
Trước khi mang thai, các bác sĩ sẽ thường kê cho người vợ một số loại thuốc bổ nhằm bổ sung thêm các loại khoáng chất và vitaminh cần thiết cho cơ thể. Quan trọng nhất là axit folic, sắt, canxi… Việc cung cấp đầy đủ những dưỡng chất này sẽ có tác dụng ngăn ngừa dị tật bẩm sinh bộ não và cột sống của trẻ, đồng thời giúp hỗ trợ sức khỏe của mẹ giai đoạn tiền mang thai.
7, Cần tránh làm gì để đảm bảo tốt cho việc thụ thai?
Để đảm bảo tốt cho việc thụ thai, các cặp vợ chồng cần lưu ý:
- Căng thẳng và tress có thể trì hoãn quá trình rụng trứng hoặc khiến chu kỳ rụng trứng bất thường. Vì vậy, khi muốn có thai, các cặp đôi cần tạo tâm lý thoải mái, tránh áp lực công việc cũng như trong cuộc sống.
- Tránh rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích như cà phê, cần sa, ma túy… Bởi chúng có thể gây giảm sút về số lượng và chất lượng trứng cũng như tinh trùng, khiến thai nhi có nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh.
- Nói KHÔNG với các thực phẩm ăn kiêng, giảm cân vì nó sẽ ảnh hưởng đến việc trứng rụng và từ đó ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Đồng thời loại bỏ những thực phẩm nhiều dầu mỡ, chiên rán… bởi chúng thường có hại cho sức khỏe.
8, Môi trường làm việc hiện tại có phù hợp với hai vợ chồng không?
Nếu vợ hoặc chồng làm việc trong một môi trường có chứa các hóa chất độc hại như chì, thuốc tê hoặc tia X-quang thì khả năng thụ thai có thể bị ảnh hưởng và thai nhi cũng có nguy cơ bị tổn thương. Do đó các cặp vợ chồng nên hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc chuyển sang một công việc an tòan hơn trước khi muốn có con, hay chí ít phải có các biện pháp khắc phục nhằm tránh mọi nguy hiểm có thể xảy ra.
9, Sắp xếp công việc như thế nào để thuận lợi khi mang thai?
Trước khi có kế hoạch sinh con, người vợ nên dành thời gian để sắp xếp công việc một cách khoa học bằng cách:
- Lên kế hoạch và phân chia công việc hợp lý, tránh ôm đồm nhiều việc như trước đây, giảm thiểu stress để tránh ảnh hưởng đến em bé.
- Xem xét lịch nghỉ sinh và nghỉ phép của người cha.
- Kiểm tra bảo hiểm thai sản và có kiến thức tốt về vấn đề này.
- Có thể đưa ra dự định công việc sau thời gian nghỉ thai sản…
10, Hai vợ chồng có đảm bảo đủ tài chính cho kế hoạch mang thai và sinh con không?
Cuối cùng, trước khi sinh con, hai vợ chồng nên cân nhắc có đảm bảo đủ tài chính cho dự định mang thai này không? Bởi trong quá trình mang thai và sinh nở, có rất nhiều chi phí phát sinh xảy ra như: chi phí khám thai, chi phí bổ sung dinh dưỡng, chi phí mua sắm đồ bầu… Nếu không có đủ tiền chi trả cho những khoản cần thiết nhất thì các cặp vợ chồng sẽ cảm thấy bối rối và lo lắng. Đồng thời thai nhi không được cung cấp đầy đủ về mặt vật chất và tinh thần ngay từ trong bụng mẹ. Do đó, các cặp đôi vợ chồng cần lên một kế hoạch tài chính khoa học, hiệu quả nhằm giảm bớt nỗi lo kinh tế khi sinh con là: tìm cách tăng thu nhập, không sắm quá nhiều đồ bầu, mua bảo hiểm thai sản, hạn chế chi phí sinh hoạt không cần thiết, mở sổ tiết kiệm hoặc tiết kiệm với heo đất.
Trên đây là 10 câu hỏi các cặp vợ chồng nên đặt ra trước khi mang thai. Việc xác định và trả lời rõ ràng những câu hỏi này sẽ giúp các cặp đôi có chuẩn bị tốt nhất, và giúp cho quá trình mang thai được diễn ra thuận lợi và thành công hơn! Chúc các bạn luôn luôn khỏe mạnh và may mắn!
Hồng Ngọc