Mang thai 3 tháng đầu là giai đoạn quan trọng và phức tạp nhất của thai kỳ. Thai nhi trong bụng mẹ lúc này mới hình thành nên còn rất yếu, do đó chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu đóng vai trò rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển toàn diện của thai nhi trong suốt cả thai kỳ. Vì vậy, bà bầu cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho con trong giai đoạn này để hỗ trợ tốt nhất cho sự tăng trưởng của bé.
Nội dung chính
Vai trò của dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu
Giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ được coi là giai đoạn quan trọng, tạo tiền đề cho sự phát triển của thai nhi. Đây là giai đoạn mà thai nhi bắt đầu hình thành và phát triển hệ thống thần kinh, tủy sống, não. Song song với đó là quá trình phát triển tim, hệ tuần hoàn và các cơ quan nội tạng khác vào tuần thứ 6 của thai kỳ. Đến cuối tuần thứ 12 hầu hết các bộ phận trên cơ thể thai nhi như chân, tay, mắt, mũi,… đều hoàn thiện.
Chính vì vậy, việc xây dựng chế độ dinh dưỡng khi mang thai 3 tháng đầu đầy đủ và khoa học là vô cùng cần thiết giúp cho mẹ có thai kỳ khỏe mạnh và bé phát triển toàn diện. Sự phát triển của thai nhi phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng mà mẹ nạp vào cơ thể. Nguồn dinh dưỡng này sẽ theo máu và nuôi dưỡng thai nhi phát triển từng ngày. Dinh dưỡng đúng và đủ sẽ giúp mẹ có sức đề kháng tốt, con phát triển tốt còn nếu mẹ không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng có thể khiến cho thai nhi bị suy dinh dưỡng, dị tật hoặc thậm chí là sảy thai.
Dưỡng chất cần bổ sung trong 3 tháng đầu thai kỳ
1, Axit folic
Công dụng: Axit folic hay còn gọi là vitamin B9. Đậy là một loại dưỡng chất rất quan trọng với cơ thể con người, giúp tổng hợp ADN và là một trong những vi chất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của bào thai, nhất là hệ thần kinh, đặc biệt trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai nhi. Thiếu axit folic dễ gây khiếm khuyết ống thần kinh ở trẻ, khiến thai vô sọ, thoát vị não – màng não, hở đốt sống và làm tăng nguy cơ dị tật ở tim, chi, đường tiểu, sứt môi, hở hàm ếch…
Thực phẩm giàu axit folic: Những thực phẩm như gan, thịt gia cầm, ngũ cốc, rau xanh (màu xanh càng đậm càng tốt như rau dền, củ cải, bông cải…), đậu lima, đậu Hà Lan, đậu nành, cà rốt, cà chua, chuối, cam, chanh, bưởi… là những thực phẩm rất dồi dào axit folic mà bà bầu nên bổ sung hàng ngày.
Hàm lượng cần bổ sung: Hiện nay Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo mọi phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ nên bổ sung 400 mcg acid folic mỗi ngày nhằm giảm thiểu nguy cơ dị tật ống thần kinh ở trẻ. Ngoài ra, tùy tình trạng sức khỏe của bà bầu mà bác sĩ có thể kê toa uống viên thuốc bổ sung hoặc bổ sung trực tiếp thông qua các thực phẩm hàng ngày. Thông thường bà bầu cần khoảng 400 – 600mcg axit folic mỗi ngày.
2, Sắt
Công dụng: Sắt rất cần thiết cho quá trình vận chuyển ôxy và vi chất dinh dưỡng đến bào thai, hỗ trợ cho quá trình phát triển não bộ của thai nhi. Ngoài ra, sắt cũng tham gia vào quá trình cấu tạo nên enzym hệ miễn dịch, giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Thiếu sắt không chỉ khiến bà bầu luôn trong tình trạng mệt mỏi, khó chịu, da xanh xao… mà còn là nguyên nhân gây sinh non, thiếu cân ở trẻ sơ sinh…
Thực phẩm giàu sắt: Sắt có vai trò rất quan trọng với cơ thể, do đó bà bầu nên bổ sung những thực phẩm giàu sắt như: thịt bò, cải xoăn, cải bó xôi, rau dền, bánh mì nguyên hạt và ngũ cốc…
Hàm lượng cần bổ sung: Theo khuyến cáo, với một thai kỳ bình thường bà bầu nên chú ý bổ sung khoảng 30mg sắt mỗi ngày.
Dinh dưỡng/ngày | Phụ nữ bình thường | Phụ nữ mang thai |
Tổng kcal/ngày | 1800-2300 | 2000-2400 |
Chất đạm | 60g | 70- 90g |
Chất béo | 46-57g | 50-70g |
Axit folic | 200mcg | 600mcg |
Sắt | 7.9-11.9mg | 18-30mg |
Canxi | 800mg | 1200mg |
Magie | 340mg | 340mg |
Photpho | 700mg | 700mg |
Kẽm | 6-20mg | 6-20mg |
I-ốt | 150µ | 220µg |
Vitamin A | 650mcg | 650-730mcg |
Vitamin D | 15mcg | 20mcg |
Vitamin E | 6.0mg | 6.5mg |
Vitamin K | 51mcg | 51mcg |
Vitamin C | 100mg | 110mg |
Vitamin B1 | 1,1mg | 1,3mg |
Vitamin B2 | 1,2mg | 1,5mg |
Vitamin B3 | 14mg | 18mg |
Vitamin B6 | 1,3mg | 1,9mg |
Vitamin B9 | 400mg | 600mcg |
Vitamin B12 | 2,4mcg | 2,6mcg |
Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam 2016 (Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia)
3, Canxi
Công dụng: Canxi đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố, làm chắc thêm hệ thống xương cho mẹ, đồng thời xây dựng hệ thống xương vững chắc cho thai nhi. Thiếu canxi, cơ thể người mẹ thường cảm thấy mệt mỏi, đau cơ, chuột rút… nặng hơn nữa là biểu xuất hiện các cơn co giật, biểu hiện của sự tụt canxi huyết. Thai nhi thiếu canxi sẽ bị suy dinh dưỡng ngay từ trong bụng mẹ, gây ra các dị tật về xương,còi xương bẩm sinh, thấp, lùn…
Thực phẩm giàu canxi: Canxi có nhiều trong các loại hải sản như cua đồng, tôm, các loại sữa tươi như sữa bò, dê sữa bột hay từ nguồn thực vật như vừng, cà rốt…
Hàm lượng cần bổ sung: Thông thường, trong 3 tháng đầu của thai kì, nhu cầu canxi cần thiết cho cơ thể bà bầu là 800 – 1000mg và tăng dần vào các quý tiếp theo, cụ thể là quý 2 cần 1000 mg canxi và 3 tháng cuối đến khi cho con bú, lượng canxi cần cho cơ thể các bà mẹ lên tới 1200mg – 1500mg canxi nguyên tố/ngày.
➤ Xem chi tiết: Bổ sung sắt và canxi cho bà bầu đúng cách
4, Protein
Công dụng: Protein có vai trò xây dựng, củng cố và thay thế các mô mới trong cơ thể, vận chuyển ô-xy trong máu, đồng thời tạo ra kháng thể cho hệ thống miễn dịch, giúp bà bầu có một thai kỳ khỏe mạnh, suôn sẻ.
Thực phẩm giàu protein: Chất đạm có nhiều trong: Thịt gia cầm, cá, ngũ cốc, trứng, các loại hạt họ nhà đậu, các chế phẩm từ sữa, đậu nành, lúa mì, lúa mạch…
Hàm lượng cần bổ sung: Bà bầu cần bổ sung hàm lượng protein khoảng 1g protein cho mỗi kg trọng lượng, tức khoảng 90g protein mỗi ngày.
5, Vitamin và khoáng chất
Công dụng: Các loại vitamin và khoáng chất trong rau xanh và trái cây góp phần không nhỏ để cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho mẹ bầu. Không chỉ vậy, những thực phẩm này còn giúp mẹ loại bỏ các hiện tượng xấu như táo bón, ợ nóng, đầy hơi, sạm da, rạn da… trong quá trình mang thai.
Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất: Một số loại rau xanh và trái cây mẹ bầu không nên bỏ qua là cải bó xôi, rau chân vịt, súp lơ, bắp cải, cam quýt, bưởi, táo, nho…
Hàm lượng cần bổ sung: Bà bầu cần phải tăng cường thêm rau, khoai, củ, trái cây tươi với số lượng tối thiểu là 300gr mỗi ngày
Lưu ý: Bà bầu không cần bổ sung thêm năng lượng nhiều ở 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, chỉ cung cấp thêm từ 200 – 300 calo mỗi ngày và chỉ cần tăng thêm 1 – 2,5kg là tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé bởi thai nhi lúc này vẫn còn quá nhỏ nên mẹ bầu chưa cần phải tăng nhiều cân.
Xem thêm: Ăn gì tốt cho bà bầu?
Dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu
Việc lựa chọn những thực phẩm để bổ sung vào chế độ dinh dưỡng trong 3 tháng đầu thai kỳ có vẻ khó khăn, đặc biệt là với những người mang thai lần đầu hoặc những người bị ốm nghé. Để lựa chọn chế độ dinh dưỡng hợp lý, mẹ chỉ cần lựa chọn những thực phẩm chứa vitamin và khoáng chất cần thiết kể trên. Dưới đây là gợi ý một số loại thực phẩm mẹ bầu nên ăn khi mang thai 3 tháng đầu:
Thịt đỏ
Thịt đỏ có thể kể đến gồm thịt bò và thịt lợn nạc. Hai loại thịt này rất giàu sắt. Bổ sung những loại thịt đỏ này trong thực đơn ăn uống sẽ giúp bà bầu ngăn ngừa được nguy cơ bị thiếu máu. Ngoài ra, trong thịt bò còn có nhiều dưỡng chất như protein, vitamin B6, B12, kẽm và cholin cũng rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của thai nhi. Thường xuyên bổ sung thịt bò còn giúp bà bầu ổn định được lượng đường trong máu, có sức đề kháng tốt, tránh bệnh tật, tránh nhiễm khuẩn.
Các loại rau có màu xanh đậm
Tại sao lại nên lựa chọn những loại rau có màu xanh đậm? Bởi chúng thường là những loại rau rất giàu axit folic – đây chính là dưỡng chất quan trọng cần bổ sung từ trước và 3 tháng đầu mang thai để giúp ngăn ngừa khiếm khuyết và dị tật bẩm sinh. Axit folic cần thiết cho sự hình thành và phát triển ống thần kinh của bé, ngăn ngừa sự mệt mỏi khi mang thai. Ngoài ra, bổ sung rau xanh trong quá trình mang thai còn giúp cung cấp cho cơ thể các loại vitamin và cung cấp nguồn chất xơ dồi dào giúp phòng ngừa táo bón thai kỳ. Một số loại rau xanh đậm mà bà bầu nên bổ sung là rau bina, rau diếp cá, rau cải xoăn và súp lơ xanh…
Trứng
Trứng là loại thực phẩm không chỉ dồi dào protein mà còn chứa nhiều canxi, vitamin D, Omega – 3,… rất tốt cho sự phát triển xương, thị giác và trí não của thai nhi. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong 1 quả trứng gà (hoặc trứng vịt) có thể cung cấp khoảng 13 loại vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Tuy nhiên mỗi tuần các mẹ bầu chỉ nên ăn điều độ từ 3 – 4 quả trứng để giảm lượng cholesterol trong máu. Ngoài ra, có rất nhiều người truyền miệng rằng ăn trứng ngỗng khi mang thai sẽ giúp con thông minh hơn nhưng thực tế chưa có một nghiên cứu nào chứng minh được giả thuyết này. Đặc biệt, trứng ngỗng lại cung cấp quá nhiều năng lượng và chất béo, vì vậy, bà bầu nên hạn chế ăn để tránh tình trạng thừa cân trong thai kỳ.
Các loại thịt gia cầm
Bên cạnh việc bổ sung các loại thịt đỏ thì mẹ bầu cũng đừng quên bổ sung các loại thịt gia cầm vào thực đơn hàng ngày. Thịt gà, thịt vịt cũng là nguồn cung cấp hàm lượng canxi, phốtpho, sắt, vitamin A, B1, B2, D, E khá cao. Ngoài ra, theo nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng, thịt gia cầm còn chứa các loại acid nicotic rất cao, cao hơn hẳn các loại thịt khác như thịt bò, thịt dê… Đây được coi là nguồn năng lượng cần và đủ để giúp mẹ bầu bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe và cung cấp dưỡng chất cho thai nhi phát triển tốt. Một số món ăn bổ dưỡng cho mẹ bầu có thể chế biến từ thịt gà, thịt vịt là: gà hầm sen, gà tần thuốc bắc, cháo vịt đậu xanh…
Cá
Cá hồi, cá cơm, cá trích, cá tuyết… là các loại cá biển chứa nhiều dinh dưỡng và Omega-3 sẽ hỗ trợ hiệu quả cho sự phát triển của thai nhi.
Đặc biệt, cá hồi có thể được nói đến là một trong những loại cá vừa an toàn cho bà bầu lại rất giàu chất dinh dưỡng nên được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bà bầu nên sử dụng, nhất là giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ.
Trong cá hồi có chứa DHA – một loại axít béo không no tốt cho sự phát triển trí não của thai nhi. Nguồn DHA tìm thấy trong cá hồi cao hơn rất nhiều so với nguồn DHA chứa trong các loại sữa dinh dưỡng cho bà bầu. Bên cạnh đó, trong cá hồi còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như: Vitamin D, vitamin B12, vitamin A, vitamin B6; các vi chất như canxi, kali, sắt, phốt pho, kẽm, đồng, magie và nhóm axit amin. Vì vậy, cá hồi là lựa chọn chính xác để cung cấp dinh dưỡng cho bà bầu.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà các bà bầu lạm dụng bổ sung quá nhiều. Các chuyên gia khuyến cáo rằng, mỗi tuần bà bầu cũng chỉ nên ăn khoảng 350 gam cá hồi bởi nếu ăn quá nhiều có thể tích tụ một lượng lớn thuỷ ngân trong cơ thể mẹ và gây hại cho em bé.
Các loại quả họ cam
Cam, quýt, bưởi… những loại quả có múi này không chỉ giàu vitamin C giúp tăng sức đề kháng cho mẹ bầu mà còn chứ nhiều axit folic, canxi. Vì vậy, mẹ bầu nên bổ sung những loại quả này để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể phòng tránh vi khuẩn xâm nhập gây bệnh.
Ngoài ra, mẹ bầu nên bổ sung các loại hạt như hạnh nhân, óc chó, macca… những loại hạt này cung cấp Omega 3 rất tốt cho sự phát triển não bộ của thai nhi trong giai đoạn 3 tháng đầu.
Chi tiết: 10 thực phẩm tốt cho bà bầu 3 tháng đầu
Bà bầu không nên ăn gì trong 3 tháng đầu
3 tháng đầu có thể coi là thời gian nguy hiểm nhất với thai kỳ. Lúc này em bé chưa hoàn toàn làm tổ chắc chắn, cơ thể người mẹ cũng chưa thích nghi với việc có mặt của bé. Chính vì vậy các bà bầu cần đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng, một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học sẽ giúp bé phát triển tốt, ngược lại, một chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, không đúng cách có thể dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho bé như khiếm khuyết, dị tật bẩm sinh, thậm chí thai lưu, sảy thai… Dưới đây là một số thực phẩm bà bầu nên tránh trong 3 tháng đầu:
- Thực phẩm tái sống: Những loại rau, thịt chưa được nấu chín sẽ xuất hiện những loại ký sinh trùng như E.Coli, toxoplasma… chúng gây hại đến sự phát triển của thai nhi.
- Hải sản có hàm lượng thủy ngân cao: Hải sản có hàm lượng Canxi lớn nhưng mẹ bầu cần tránh những loại hải sản có hàm lượng thủy ngân cao như: cá kiếm, cá kình, cá ngừ, cá thu,… Ngoài ra, bà bầu cũng không nên ăn hải sản tươi sống vì chúng có thể tồn tại vi khuẩn, virus gây hại cho sức khỏe của mẹ và bé.
- Thực phẩm chưa tiệt trùng: Mẹ bầu nên tránh các loại: phó mát mềm chưa tiệt trùng, phó mát tách khuôn, sữa chưa tiệt trùng vì chúng có chứa vi khuẩn listeria gây hại cho phụ nữ mang thai
- Thực phẩm đóng gói sẵn: Thực phẩm đóng gói sẵn không cung cấp được nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể, mẹ bầu nên lựa chọn những thực phẩm tươi ngon để bổ sung vào thực đơn hàng ngày. Tránh những loại đồ ăn nhanh, khoai tây chiên, gà rán, đồ chế biến sẵn nhiều dầu mỡ… rất không tốt cho sức khỏe.
- Rượu bia, thuốc lá, cafe và các chất kích thích: Các chất kích thích này làm tăng nguy cơ sảy thai, gây dị tật thai nhi hoặc khiến trẻ chậm phát triển
- Bà bầu cũng lưu ý, một số thực phẩm có thể gây sảy thai như: rau răm, rau sam, rau ngót, dứa, nhãn, đu đủ xanh, khoai tây mầm… Những thực phẩm này bà bầu nên kiêng tuyệt đối trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
☛ Xem thêm: Bà bầu không nên ăn gì để tránh sẩy thai và sinh non
III, Bà bầu ăn gì tránh ốm nghén trong 3 tháng đầu
3 tháng đầu là thời điểm hầu hết các bà bầu bị “hành hạ” bởi cơn ốm nghén. Nếu để tình trạng ốm nghén kéo dài sẽ khiến việc tăng cường cũng như hấp thụ các chất dinh dưỡng trong cơ thể trở nên khó khăn. Vì vậy, để hạn chế tình trạng ốm nghén trong thời gian này, bà bầu có thể thực hiện một số biện pháp dưới đây:
- Nên chia thành các bữa nhỏ, ăn nhiều bữa mỗi ngày.
- Không uống trong khi ăn, nên uống (nước, sữa, nước hoa quả…) trong thời gian chờ giữa bữa ăn này với bữa ăn khác.
- Không sử dụng các loại thực phẩm có mùi như hành, tỏi, sả… và các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ nướng, rán, chiên xào…
- Các loại thực phẩm có thể giúp giảm nghén: quế, húng quế, hạt mùi, bạc hà, chanh, gừng…
Xem thêm: Bật mí cách trị ốm nghén khi mang thai an toàn
Tóm lại, 3 tháng đầu mang thai, tất cả các loại vitamin, khoáng chất đều quan trọng đối với bà bầu nhưng đa phần các chất như sắt, canxi, acid folic, omega 3, protein đóng vai trò quan trọng nhất và thường bổ sung các chất này nhiều hơn. Bà bầu lưu ý về hàm lượng bổ sung các chất trên theo đúng tiêu chuẩn và khuyến nghị, tránh dư thừa chất vì có thể gây biến chứng thành các bệnh nguy hiểm khác cho thai nhi. Để đảm bảo cho 1 thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu nên bổ sung cùng chế độ ăn viên uống vitamin tổng hợp được thiết kế dành riêng cho phụ nữ mang thai giúp mẹ khỏe, bé phát triển toàn diện ngay từ trong bụng mẹ.
tô thi mỵ xuân says
cho em hoi.em co thai duoc 5tuan ma k biet.gio moi thu we moi biet
em dang bi viem da day.nhung hp am tinh
may ngay nay no cu dau miet voi thinh hoi .ma e k dam uong thuoc gi het
k biet bi dau da day co anh huong toi em be k ah
Hiển thị trả lời
dinhduongbabau says
Chào bạn Xuân,
Bản thân tình trạng đau dạ dày không trực tiếp ảnh hưởng tới thai nhi, tuy nhiên nó lại ảnh hưởng gián tiếp thông qua chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hàng ngày.
Đau dạ dày khiến bạn ăn uống, ngủ nghỉ kém hơn, khả năng hấp thu chất dinh dưỡng ở dạ dày cũng kém đi. Hơn nữa, khi mang thai dưới tác dụng của hormon thai kỳ, dạ dày tiết dịch nhiều khiến tình trạng đau dạ dày càng trở lên khó chịu hơn. Hơn nữa bạn không thể uống thuốc điều trị bệnh dạ dày thông thường bởi đa phần các thuốc đó đều ảnh hưởng không tốt tới thai nhi. Chính vì vậy, mang thai mà bị đau dạ dày thì bạn càng cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng của mình nhiều hơn: ăn các chất dễ tiêu, tăng cường rau xanh và hoa quả, uống nhiều nước, chia nhỏ thức ăn thành nhiều bữa trong ngày… Đồng thời uông thêm viên bổ tổng hợp như PM Procare diamond mỗi ngày để cung cấp đủ dưỡng chất cho mẹ khỏe mạnh và thai nhi phát triển tối ưu. Nếu tình trạng đau nặng hơn thì bạn nên tới bác sĩ để được thăm khám và hỗ trợ kịp thời.
Chúc bạn một thai kỳ mạnh khỏe!
Hiển thị trả lời
Le thi hong Diem says
Em mang bầu được 5tuan co uong thuộc pha thai được khong
Hiển thị trả lời
dinhduongbabau says
Chào bạn,
Phá thai bằng thuốc hay bằng thủ thuật đều có những rủi ro nhất định. Bạn cần tới bác sĩ thăm khám trực tiếp để được tư vấn và hướng cụ thể.
Trân trọng,
Hiển thị trả lời
Bảo yến says
Cháu Chào Bs.
Bs cho chau hoi?
Trước lúc chưa lấy chồng chu ky kinh nguyet của cháu thường từ 21-23ngay. Kể từ lúc lậpgia đình thì chu kỳ kinh của cháu chỉ 15ngay(tinhtu ngay bat dau co kinh) và có kinh kéo dài từ5-7ngay. Cháu có đi khám và BS kết luậnđi đa nang buồg trứng. Cháu có sử dụng thuốc ĐôngY để trị đa nang. Và chu ky kinh nguyệt vẫn 15ngay lại có. Có 1thang chau bi Rongkinh kéo dài đến 20ngay. Bs có cho cháu uống thuốc để hết rong kinh. Khi hếtkinh được 5ngay chau lại có chu kỳ kinh mới(tuc laNgày 25/8 cháu ra kinh, dc 7hom sachj kinh thi đến ngay 9/9 cháu lại ra kinh và ra kinh 3ngay chỉ dính quan Chíp thôi ạk.
Ngày 19/9 cháu có dùng que thử thai nhưng que thử chi llên 1vach. Ngày 29/9 cháu thử que thì lên 1vach rất mờ và 1vach đậm……đen nay ngày 6/10 thi lên 2vach đậm zoai ạk.
1)Bs cho cháu hỏi vậy chau co thai ko ak. Neu co thai thi đến ngày 6/10 thì thai dc bao nhiêu tuần tuổi ạk. Cháu có lên đi siêu âm ngay ko ạk. Thai đc ít tuần tuổi như vậy siêu âm có sợ sảy ko ạk
2) trong ngày 29-30 chau bị đau bụng quặn như đau đại tràng nên cháu có uống 4goi tràng vị khang ko biết như vậy có ảnh hưởngko ạk?
3) Trong thời gian thụ thai chồng cháu đang uống thuốc và tiêm thuốc kháng sinh trị viêm phế quản mãn tính 1 tháng. Bs cho chau hoi vậy có ảnh hưởng đến thai nhi ko ạk.
Cháu cảm ơn!
Hiển thị trả lời
dinhduongbabau says
Chào bạn Bảo Yến,
Với trường hợp buồng trứng đa nang dẫn tới hiện tượng rong kinh, chu kỳ kinh nguyệt không đều thì việc xác định tuổi thai dựa vào ngày đầu của kỳ kinh cuối thường độ chính xác không cao. Với trường hợp này việc xác định tuổi thai dựa vào các thông số trên siêu âm là lựa chọn phù hợp nhất. Tuy nhiên, với những thông tin bạn cung cấp thì tính tới ngày 6/10 thai nhi của bạn được khoảng gần 5 tuần. Bạn có thể đợi một vài hôm nữa rồi đi siêu âm để xem phôi thai đã làm tổ ở tử cung hay chưa hoặc đi xét nghiệm máu tìm HCG để phát hiện thai sớm.
Khi mang thai bạn cần hết sức thận trọng với bất kỳ biểu hiện bất thường nào của cơ thể cũng như các thuốc sử dụng trong thai kỳ, bởi thuốc dùng không đúng có thể gây nguy hiểm tới thai nhi. Tràng vị khang là thuốc được khuyến cáo dùng thận trọng trong thai kỳ bởi chưa có đủ dữ liệu chứng minh về tính an toàn của thuốc khi dùng đối với phụ nữ mang thai. Do đó, bạn không nên dùng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.
Sức khỏe và tình hình sử dụng thuốc của bố mẹ đều ảnh hưởng tới sự phát triển của phôi thai, thai nhi. Một cơ thể khỏe mạnh sinh ra trứng, tinh trùng khỏe manh, do đó sẽ sinh ra một em bé khỏe mạnh. Nếu cơ thể ốm yếu thì tỷ lệ phôi thai chịu ảnh hưởng không tốt tăng lên. Tuy nhiên, hiện giờ chưa thể khẳng định được điều gì, để yên tâm bạn cần theo sát thai kỳ của mình qua các lần thăm khám theo định kỳ để chăm sóc thai nhi tốt nhất.
Chúc bạn một thai kỳ mạnh khỏe!
Hiển thị trả lời
Bùi Thu says
Chào bác sĩ.
Em mới biết em có em bé, và được khoảng 3,4 tuần. Nhưng trước đó e k biết mình có em bé nên đã uống vài chén rượu trong hai ngày liên tiếp. Hỏi bác sĩ là vậy có ảnh hưởng nhiều đến em bé k ạ?
Cám ơn bác sĩ!
Hiển thị trả lời
dinhduongbabau says
Chào bạn Thu,
Từ lâu giới dinh dưỡng thường khuyến cáo phụ nữ khi mang thai và cho con bú không nên uống rượu bia vì nó gây chứng nhiễm độc cồn bào thai (FAS) làm suy giảm sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần của đứa trẻ. Chất cồn (rượu vang, bia, rượu mạnh) lấy đi oxy và các chất dinh dưỡng của tế bào đang phát triển, cản trở sự phát triển bình thường của thai nhi. Thai nhi phơi nhiễm rượu trong bụng mẹ sẽ bị ảnh hưởng vĩnh viễn về sự phát triển trí tuệ và thể chất. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kì (CDC) và Tổ chức March of Dimes thì không có mức tiêu thụ rượu nào được coi là an toàn trong thai kì.
Vì vậy bạn tuyệt đối không nên uống rượu khi mang thai, nếu đã uống thì cần thực hiện thăm khám theo dõi sát thai kỳ của mình, tham gia sàng lọc trước sinh đầy đủ nếu có theo chỉ định của bác sĩ.
Chúc bạn một thai kỳ mạnh khỏe!
Hiển thị trả lời
Trần thị xuân hợp says
Bác sĩ cho e hỏi e đang tiêm ngừa thủy đậu nhưng phải kiên trong vòng 3 tháng mới đk có con nhưng e mới 1.5 tháng là có thai rồi e không biết là có ảnh hưởng gì tới thai nhi sau này không ạ.
Hiển thị trả lời
dinhduongbabau says
Chào bạn Xuân Hợp,
Vacxin phòng thủy đậu là vacxin sống, giảm độc lực. Do lo ngại vacxin có thể gây ảnh hưởng xấu tới thai nhi như khi mắc bệnh thủy đậu nên bạn được khuyên kiêng mang bầu trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, cho tới nay có ghi nhận nào cho thấy thai nhi bị ảnh hưởng khi mẹ mang bầu sớm hơn thời gian khuyến cáo. Chính vì vậy bạn không nên hoang mang quá, hãy theo sát thai kỳ của mình qua các lần thăm khám và làm xét nghiệm theo hướng dẫn của bác sĩ nếu cần.
Chúc bạn một thai kỳ mạnh khỏe!
Hiển thị trả lời