Quá trình mang thai sẽ tốn rất nhiều công sức và tiền bạc của các cặp vợ chồng. Do đó cần thiết phải có sự chuẩn bị tài chính thật vững mạnh để có thể chăm sóc tốt nhất cho em bé và cả gia đình. Bài viết dưới đây xin liệt kê các loại chi phí phát sinh trong quá trình mang thai và đưa ra một số kế hoạch tài chính hiệu quả cho các cặp vợ chồng:
Nội dung chính
1, Các loại chi phí phát sinh trước và trong khi mang thai
Có rất nhiều loại chi phí phát sinh trong quá trình trước, trong và sau khi mang thai. Dưới đây là 5 loại chi phí phổ biến nhất:
Chi phí bổ sung dinh dưỡng:
Dinh dưỡng là một yếu tố rất quan trọng trong suốt thời gian mang thai. Và đặc biệt nhu cầu bổ sung dinh dưỡng trong thời gian này sẽ cao hơn so với bình thường vì vậy mà việc đầu tư tài chính cho việc bồi dưỡng sức khỏe là hoàn toàn cần thiết. Chi phí bổ sung dưỡng chất cho bà bầu thường từ các nguồn thực phẩm tươi sống, an toàn, nhiều chất, các loại thuốc bổ, viên uống tổng hợp hay sữa bầu… Vì vậy, hãy lên kế hoạch tài chính ngay từ bây giờ nếu các bạn muốn có một thai kỳ khỏe mạnh và không bị hao hụt về dinh dưỡng nhé.
Xem thêm: Bổ sung dưỡng chất trước khi mang thai
Chi phí khám thai và sinh nở:
Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và em bé trong suốt thai kỳ, các bạn cần đi khám sức khỏe tổng quát, riêng người vợ cần tiêm phòng trước khi mang thai một số bệnh như: thủy đậu, quai bị, sởi, rubella…. Bởi nếu mắc những bệnh này trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì thai nhi có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh rất cao, do đó chi phí tiêm ngừa này là hoàn toàn chính đáng và xứng đáng có trong danh mục những chi phí phát sinh trong quá trình mang thai.
Ngoài ra, khi mang thai, các thai phụ được khuyên nên đi khám thai 1 tháng một lần với các xét nghiệm, siêu âm, sàng lọc dị tật trước sinh… và nếu bạn không có bảo hiểm y tế hoặc khám ở những phòng khám tư nhân thì việc này cũng khá tốn kém, chưa kể có những vấn đề bất thường trong quá trình mang thai cần phải kiểm tra nhiều lần. Tuy nhiên, đây là việc cần phải làm để đảm bảo em bé của bạn đang phát triển bình thường.
Trước thời gian dự kiến sinh nở khoảng 2 tháng, các bạn nên thống nhất sẽ sinh ở viện nào để ước tính kinh phí. Kinh phí cho mỗi ca sinh nở cũng khác nhau vì có mẹ sinh thường, có mẹ sinh mổ. Nếu sinh thường, các bạn nên chuẩn bị từ 3-5 triệu đồng, sinh mổ từ 5-10 triệu đồng (chi phí này bao gồm tiền sinh nở và các khoản phụ phí khác như chuẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, thuốc…). Chi phí nằm viện phụ thuộc vào việc bạn chọn phòng thường hay phòng dịch vụ. Chi phí nằm phòng thường khoảng 100-200 nghìn đồng/giường. Nếu bạn chọn phòng dịch vụ 2-3 người khoảng 300-500 nghìn đồng/giường. Nếu có điều kiện hơn, các mẹ có thể chọn phòng vip với giá 700-1triệu đồng/giường. Khoản chi phí này có thể không là gì với những gia đình khá giả. Nhưng với phần đông các cặp vợ chồng, nếu không dự trữ chính xác khoản chi phí này, nhiều khả năng họ sẽ rơi vào tình cảnh thiều hụt khi sinh con.
Chi phí mua sắm đồ bầu:
Khi người vợ mang thai, cơ thể sẽ phát triển nhanh chóng, những bộ quần áo thường mặc sẽ không còn thích hợp và phải thay đổi toàn bộ kích cỡ cho quần áo. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của các mẹ bầu đi trước: không nên mua quá nhiều quần áo bầu trong thời gian mang thai, chỉ nên mua một số áo, váy bầu cần thiết, tùy theo mùa. Từ tháng thứ 5 trở đi nên mua váy hoặc áo bầu rộng một chút để có thể mặc cho những tháng cuối thai kỳ, không nên mua áo quá nhỏ sẽ lãng phí tài chính.
Chi phí chuẩn bị cho em bé:
Sẽ có rất nhiều thứ cần phải mua nếu em bé là con đầu lòng bao gồm: quần áo, khăn, tã, bình sữa, nôi, giường, đồ chơi… Những thứ này tưởng như chẳng tốn bao nhiêu tiền nhưng thực tế, khi cộng chúng lại, các bạn sẽ không khỏi bất ngờ vì chúng chiếm một khoản không nhỏ trong ngân sách của bạn. Một số bà mẹ chỉ có sữa trong 3 tháng đầu hoặc không có sữa, hoặc sữa không đủ cho bé bú thì phải sử dụng thêm sữa ngoài. Đây là khoản phí tương đối lớn và lâu dài mà các bạn cần tính toán dự trù trước.
Chi phí nghỉ thai sản:
Sau khi sinh người vợ sẽ có khoảng 6 tháng không đi làm nên thu nhập của gia đình sẽ bị giảm sút. Bình thường nếu cả hai vợ chồng cùng đi làm thì thu nhập sẽ đảm bảo hơn, tuy nhiên khi người vợ nghỉ thì vẫn phải chi trả hàng loạt các chi phí như bình thường: tiền điện, nước, điện thoại, tiền ăn uống cho cả nhà, rồi cả các chi phí phát sinh khác như đám xá… Mọi thứ đều phải được chuẩn bị chu đáo.
Chi phí dự phòng bất trắc:
Đây chỉ là khoản dự phòng thêm, nhưng không thể không có. Vì nhiều bé sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng nhiều bé vừa sinh ra đã bệnh. Kéo thêm chi phí phát sinh sẽ rất lớn, nên tốt nhất các bạn cần dự phòng trước.
Xem thêm: Chuẩn bị mang thai – Những kiến thức cần biết!
2, Lên kế hoạch tài chính trước khi mang thai
Khi có danh sách các chi phí phát sinh trước và trong khi mang thai, các bạn nên có kế hoạch chuẩn bị tài chính một cách ổn định và hiệu quả nhất. Với tổng chi phí dự trù này các cặp vợ chồng có thể bắt đầu kế hoạch tiết kiệm, tính toán chi tiêu trong khoản thu nhập như:
- Hạn chế và giảm bớt các khoản chi tiêu có thể tiết giảm như đi ăn uống ngoài nhà hàng, du lịch, vui chơi với bạn bè…
- Có thể khám thai ở các bệnh viện lớn thay vì khám tại các phòng khám tư nhân, quốc tế, quần áo bầu và em bé cũng như các vật dụng không nhất thiết phải mua mới hoàn toàn vì bạn có thể xin lại những vật dụng này…. nếu gia đình bạn không quá dư giả về tài chính.
- Lựa chọn và mua bảo hiểm có lợi ích như Bảo hiểm thai sản.
- Mở tài khoản tiết kiệm hoặc mua lợn đất
- Tìm cách tăng thu nhập thông qua những việc làm thêm ngoài thời gian ở cơ quan hoặc nhận làm cộng tác viên, kinh doanh… để tăng thêm thu nhập.
Vì chi phí trong quá trình mang thai là rất lớn, do đó việc lên kế hoạch tài chính kỹ lưỡng cùng với thói quen chi tiêu hợp lý sẽ giúp các vợ chồng chủ động và có điều kiện để chăm sóc, nuôi dạy con chu đáo. Bài viết hy vọng sẽ mang đến cho bạn đọc những kiến thức bổ ích để sẵn sàng đón nhận tương lai cùng những niềm vui mới đến nhé!
Hồng Ngọc