Để có một thai kỳ khỏe mạnh chắc chắc bạn cần phải chú ý đến việc chăm sóc và theo dõi sức khỏe bản thân ngay từ lúc chuẩn bị mang thai và suyên suốt cả quá trình mang thai. Tham khảo ngay những điều cần biết khi mang thai dưới đây của Dinhduongbabau.net để hành trình làm mẹ của bạn được suôn sẻ và an toàn nhé.
Nội dung chính
Những điều cần biết khi mang thai
1. Tiêm phòng trước khi mang thai
Tiêm phòng trước khi mang thai là việc cần thiết để giúp mẹ bầu giảm nguy cơ mắc bệnh khi mang thai. Bởi vì, hệ thống miễn dịch của phụ nữ khi mang thai kém hơn bình thường, dẫn đến nhiều nguy cơ nhiễm các bệnh. Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng phụ nữ nên tiêm phòng trước khi mang thai 3 tháng để ngăn ngừa một số căn bệnh nguy hiểm ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của mẹ và em bé trong bụng: rubella, cảm cúm, thủy đậu, viêm gan B…
Xem thêm: Tại sao cần chích ngừa trước khi mang thai
2. Lịch khám thai định kỳ
Khám thai theo định kỳ giúp mẹ có thể theo sát sự phát triển của thai nhi, phát hiện sớm nguy cơ dị tật hay các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Đặc biệt, có 3 mốc khám thai quan trọng, mẹ bầu không nên bỏ qua:
- Giai đoạn tuần 11-13 của thai kỳ: Đây là thời điểm để đo độ mờ da gáy chính xác nhằm dự đoán một số bất thường nhiễm sắc thể nguy hiểm gây các bệnh như Down, dị dạng tim, chi, thoát vị cơ hoành v.v… Chỉ số này càng thấp càng tốt. Nếu độ mờ da gáy lớn hơn 3mm thì nguy cơ bé mắc hội chứng Down là khá cao.
- Khám thai tuần tuần 21-24 chẩn đoán khuyết tật bẩm sinh ở thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan, nội tạng v.v
- Khám thai tuần 30-32 của thai kỳ để phát hiện 1 số vấn đề xảy ra muộn như bất thường ở tim, động mạch, các bất thường ở não như giãn não thất…, nhận biết tình trạng thai phát triển chậm trong tử cung – 1 trong những nguyên nhân gây suy thai va ngạt sau sinh v.v … .
Bên cạnh những mốc khám thai quan trọng thì mẹ bầu cần khám theo lịch hẹn của bác sĩ trực tiếp thăm khám cho mình nhé!
3. Dinh dưỡng khi mang thai
Dinh dưỡng khi mang thai không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ mà còn đóng vai trò cực kỳ quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và sức khỏe của thai nhi. Để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ cần chú ý bổ sung đầy đủ 3 nhóm dưỡng chất quan trọng là: Tinh bột, chất đạm và vitamin và khoáng chất trong suốt quá trình mang thai.
- Nhóm tinh bột: giúp cung cấp năng lượng và duy trì hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Nhưng tinh bột lại chuyển hóa thành mỡ rất nhanh và những người có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ cũng cần phải hạn chế tinh bột. Các thực phẩm giàu tinh bột tốt cho bà bầu gồm: bánh mì, yến mạch, gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt…
- Chất đạm và chất béo: Nhóm dinh dưỡng này tham gia vào quá trình tạo máu và hình thành nhau thai. Mẹ bầu cần cung cấp ít nhất 70g protein và 40g chất béo mỗi ngày. Thịt bò là nguồn cung cấp chất đạm dồi dào cho cơ thể và chứa rất nhiều sắt, vitamin nhóm B
- Nhóm Vitamin và khoáng chất: Vitamin và khoáng chất là thành phần không thể thiếu cho mẹ bầu. Mẹ bầu nên bổ sung những loại rau có màu xanh: rau cải, súp lơ xanh… Các loại trái cây họ cam quýt chứa nhiều vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, giảm bớt sự khó chịu khi ốm nghén.
Bổ sung chế độ dinh dưỡng hàng ngày có thể chưa cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho mẹ bầu và thai nhi đặc biệt những bà bầu bị nghén nặng không thể dung nạp các chất dinh dưỡng. Do đó, ngoài những nhóm thực phẩm chính là đạm, bột đường, chất béo và rau xanh thai phụ cần bổ sung thêm nhiều loại vi chất dinh dưỡng khi mang thai để sinh ra những đứa con khỏe mạnh, thông minh. Lựa chọn đúng các loại viên uống bổ sung cho bà bầu là biện pháp giúp chống lại tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai và giúp cho bà bầu và thai nhi có được sức khỏe thể chất và tinh thần tốt nhất.
4. Đề phòng và xử lý những biến chứng trong thai kỳ
Biến chứng trong thai kỳ là điều không mong muốn nhưng cũng khó tránh khỏi. Những biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ và sự phát triển của thai nhi, vì vậy mẹ cần chuẩn bị tốt những kiến thức cơ bản để biết cách xử lý trước những biến chứng nguy hiểm này, một số biến chứng nguy hiểm mẹ bầu có thể gặp là:
– Nhau thai bám thấp:
Đây là biến chứng ít gặp, chỉ có khoảng 5% thai phụ có thể gặp phải tình trạng này. Nhau thai bám thấp là tình trạng bánh nhau nằm vào vị trí sát lỗ trong của cổ tử cung thay vì bám ở vùng đáy tử cung. Khi ở vị trí này bánh nhau sẽ không giãn đồng bộ với phần cơ ở đoạn gần cổ tử cung khi các cơn co thắt xuất hiện trong lúc chuyển dạ. Kết quả là bánh nhau sẽ bị bóc tách ra khỏi niêm mạc tử cung và dẫn đến chảy máu. Trường hợp máu chảy quá nhiều sẽ khiến người mẹ bị mất máu trầm trọng và kéo theo đó là tình trạng choáng, trụy mạch và tử vong ngay sau đó nếu không được xử lý kịp thời, thai nhi có nhiều khả năng sẽ sinh non hoặc bất thường ngôi thai như ngôi ngang hoặc ngôi mông.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng nhau bám thấp như: tuổi mẹ cao, mẹ sinh dày, mẹ có tiền sử mổ lấy thai nhiều lần trước đó…
– Đái tháo đường thai kỳ:
Có khoảng 3 – 8% phụ nữ mang thai có mức đường huyết cao quá mức quy định và tình trạng này thường xảy ra vào tuần thứ 24 -28 của thai kỳ. Vì vậy, khi mang thai ở giai đoạn này mẹ bầu có thể kiểm tra đường huyết xem có bị tiểu đường hay không. Đái tháo đường thai kỳ có thể dẫn tới những nguy cơ như tiền sản giật, sản giật, dị tật thai, thậm chí sẩy thai. Khi kiểm tra thấy mình bị tiểu đường thai kỳ hoặc có nguy cơ thì cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý phù hợp.
Xem thêm: Dấu hiệu cảnh báo mẹ bị tiểu đường thai kỳ
– Tiền sản giật:
Tiền sản giật là biến chứng do nhiễm độc thai nghén thường phát triển sau tuần 20 của thai kỳ và chiếm tỉ lệ 5-8% số phụ nữ mang thai. Bệnh xuất hiện do các cơ quan bị giảm tưới máu vì mạch máu co thắt và nội mạch phù dày, xuất hiện nhiều ở những thai phụ mắc các bệnh lý liên quan như bệnh thận, bệnh basedow, bệnh tiểu đường… có thể khiến người mẹ bị tổn thương gan, thận, chảy máu (máu chảy không cầm được hay co giật khi chuyển dạ) và làm thai nhi chậm phát triển, suy thai, thậm chí chết trong tử cung.
– Thiếu ối:
Thiếu ối có thể gây nguy hiểm cho thai nhi. Nếu trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai thường bà bầu thiếu ối có nguy cơ gây sảy thai, sinh non, thai chết lưu khá cao và những thai nhi thiếu nước ối trong giai đoạn này thường gặp vấn đề về sự phát triển của phổi. Nước ối ít ở tam cá nguyệt thứ 3 có thể khiến bé khó xoay đầu trong những tháng cuối thai kỳ, dẫn đến tình trạng ngôi thai ngược khi sinh. Đặc biệt, thiếu nước ối do vỡ ối sớm có thể dẫn đến nhiễm trùng ối, nhiễm trùng bào thai và tử cung.
Để tránh tình trạng thiếu ối mẹ bầu nên duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và một chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý, uống nhiều nước sẽ giúp mẹ bầu hạn chế nguy cơ nước ối ít. Trong một vài trường hợp thiếu nước ối, bác sĩ thường khuyên mẹ bầu uống nước dừa để bổ sung thêm nước ối và có thể giúp nước ối trong hơn.
5. Tăng cân hợp lý khi mang thai
Không phải cứ tăng cân nhiều là cơ thể mẹ được bổ sung đủ chất dinh dưỡng và con khỏe mạnh còn không tăng cân hay ít tăng cân là không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng khi mang thai. Trọng lượng cần tăng khi mang thai phụ thuộc vào cân nặng và chiều cao của bạn trước khi mang thai. Mối quan hệ giữa chiều cao và cân nặng được thể hiện qua chỉ số BMI. Dưới đây là mức tăng cân chuẩn theo khuyến cáo của Viện Y học Hoa Kì (IOM):
- Đối với người có cân nặng bình thường (chỉ số BMI là 18,5-24,9): nếu cân nặng trước khi mang thai của bạn bình thường, bạn nên tăng từ 11 đến 16 kg trong cả thai kì. Tăng 0,5-2kg trong ba tháng đầu và khoảng 0,5kg trong mỗi tuần còn lại của thai kỳ sẽ tối ưu hóa sự phát triển của thai nhi.
- Thiếu cân (BMI dưới 18,5): nếu bạn bị nhẹ cân so với chiều cao của mình, bạn cần tăng 13 đến 18kg trong cả thai kì.
- Thừa cân (BMI từ 25 đến 29.9): nếu bị thừa cân so với chiều cao, bạn nên tăng từ 7 đến 11kg trong cả thai kì.
- Béo phì (chỉ số BMI là 30 hoặc cao hơn): bạn nên tăng từ 5 đến 9kg trong cả thai kì.
- Mang thai đôi: nếu mang thai đôi bạn nên tăng thêm 17-24kg trong thai kì nếu trước đó bạn có cân nặng bình thường, 14-23kg nếu bạn bị thừa cân, và 11-19kg nếu bạn bị béo phì.
6. Chế độ làm việc và nghỉ ngơi khi mang thai
- Không nên làm những việc nặng nhọc, không làm trong môi trường độc hại cần duy trì chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ ít nhất 8 giờ mỗi ngày và dành khoảng 30 phút cho giấc nghỉ trưa và tránh thức quá khuya.
- Bên cạnh việc nghỉ ngơi thì mẹ bầu cũng nên thường xuyên vận động nhẹ nhàng vừa giúp tinh thần thoải mái vừa giúp lưu thông máu. Những bài tập thể dục hợp lý cho bà bầu: bơi lội, đi bộ, yoga…
- Quan hệ khi mang thai cần hết sức thận trọng, tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, việc sinh hoạt vợ chồng khi mang thai cần dựa trên nhu cầu và cảm nhận của người mẹ có thể tăng hoặc giảm do thay đổi về hoóc-môn, sức khoẻ, tâm lý.
- Không ăn các loại thức ăn như đồ sống, đóng hộp, nhiều dầu mỡ, gỏi, thức ăn đã để lâu hoặc sữa chưa tiệt trùng. Tránh ăn những thức ăn có hàm lượng thuỷ ngân cao như cá mập, cá kiếm và cá ngừ.
- Tránh xa thuốc lá và khói của thuốc lá, không sử dụng rượu bia, chất kích thích, nước uống có cồn, có ga vì có thể làm tăng hàng loạt các nguy cơ như sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân, sảy thai, dị tật bẩm sinh và thai chết lưu.
- Tránh dùng hóa chất, mỹ phẩm, đi giày cao gót, vận động mạnh, xoa bóp bụng, xông hơi giải cảm khi bị cúm khi mang thai… những việc này có thể dẫn đến dọa sảy thai, động thai và sinh non.
7. Kết nối với con yêu
Nói chuyện với con yêu ngay từ trong bụng mẹ giúp bé phát triển thính giác, thị giác, vận động và tăng sự tự tin hơn.
Kết nối với con yêu bạn có thể cảm nhận được con cử động những gì, làm những hành động gì. Việc theo dõi những cử động của con bên trong bụng mẹ giúp mẹ biết được con yêu của mình có đang khỏe mạnh hay không. Nếu con ít di chuyển hơn thường lệ hoặc không di chuyển thì mẹ nên đi khám ngay xem có bất thường gì không.
Để có thể bổ sung cho mình những kiến thức qua trọng trong quá trình mang thai như: dinh dưỡng khi mang thai, thể dục khi mang thai, chuẩn bị trước khi sinh, cách tắm cho bé, cách cho bé bú, cách phòng chống bệnh cho bà bầu.. bạn có thể tham gia các lớp tiền sản để luôn tự tin trong lần đầu làm mẹ này.
Trên đây là những điều cần biết cơ bản khi mang thai, hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp các mẹ biết được mình nên làm những gì tốt nhất cho sức khỏe của bản thân và em bé. Chúc các mẹ bầu luôn luôn vui vẻ, khỏe mạnh!