Có đến 80% phụ nữ sảy thai trong 13 tuần mang thai đầu tiên. Vì vậy, mẹ bầu cần đặc biệt chú ý đến những dấu hiệu sảy thai sớm để được can thiệp kịp thời bởi bác sĩ chuyên khoa. Trong rất nhiều trường hợp, khi được điều trị kịp thời, đúng cách, em bé sẽ thoát khỏi nguy hiểm.
Những nguy cơ sảy thai sớm
1. Chảy máu âm đạo
Khi đang mang thai lại xuất hiện biểu hiện âm đạo bị chảy máu tươi rồi ngưng, lặp đi lặp lại, màu sắc của máu cũng thay đổi từ màu đỏ tươi tới màu nâu mận chín, là triệu chứng báo hiệu hàm lượng hormone đang sụt giảm và quá trình sẩy thai đang bắt đầu. Khi đó điều cần làm nhất là bạn cần đến ngay gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời. Bạn cũng đừng quá lo lắng vì có đến 70% phụ nữ bị chảy máu dạng này vẫn giữ được con.
2. Xuất hiện cơn co
Cơn co tử cung bình thường chỉ xuất hiện vào những tháng cuối thai kỳ, khi bạn sắp đến kỳ khai hoa nở nhụy. Nếu bụng dưới hoặc vùng xương chậu xuất hiện các cơn co sớm trước 20 tuần thai thì đó chính là dấu hiệu sẩy thai. Theo các bác sĩ chuyên khoa, bất kể cơn co bất thường nào cũng đều tiềm ẩn một nguy cơ nào đó cần được kiểm tra và theo dõi. Dù vậy, bạn không nên quá lo lắng nếu thấy cơn co ở cường độ yếu. Nhưng cần thận trọng khi thấy cơn co kèm theo hơi thở nặng hoặc chảy máu bởi đây là biểu hiện nguy hiểm cần đến gặp bác sĩ ngay.
3. Chuột rút kèm chảy máu âm đạo
Chuột rút trong thời kỳ mang thai là biểu hiện bình thường mà rất nhiều bà bầu gặp phải. Hiện tượng này xảy ra do các dây chằng mở rộng để thích ứng với tử cung ngày càng tăng. Nhưng nếu chuột rút đi kèm với chảy máu âm đạo và khó thở thì phần nhiều là bạn bị sẩy thai.
4. Dịch nhờn ở âm đạo tiết ra nhiều và hôi
Khi thấy những cục máu đông đi kèm với lượng dịch nhờn nhiều, có mùi hôi nặng xuất hiện bất thường ở âm đạo thì rất đáng để bạn phải lo ngại vấn đề sẩy thai.
5. Áp lực vùng chậu
Khi bạn sẩy thai, áp lực đè nặng lên vùng chậu là điều bạn dễ dàng cảm nhận được. Tuy vậy, đây cũng là hiện tượng rất phổ biến trong giai đoạn đầu của thai kỳ nên rất khó để phân biệt. Có thể nhận biết sẩy thai nếu nó đi cùng dấu chảy máu âm đạo hoặc chuột rút.
6. Thai nhi ngừng chuyển động
Thường thì từ tháng thứ 4 của thai kỳ mẹ bắt đầu cảm nhận được chuyển động và phát triển của thai nhi. Nếu như bạn cảm nhận được thai nhi ngừng chuyển động, không đạp, không có phát triển nào thêm thì đó có thể là dấu hiệu sảy thai bạn cần đi khám ngay.
Những nguyên nhân dẫn đến sảy thai sớm
Sử dụng thuốc không đúng cách
Trong quá trình mang thai bạn nên tránh tối đa việc sử dụng thuốc hoặc khi dùng thuốc cần có sự tư vấn của bác sĩ. Bởi trong thành phần một số thuốc có những dược liệu có liên quan làm tăng nguy cơ gây sảy thai. Ngay khi phát hiện mình có thai mà trong trường hợp đang phải uống thuốc điều trị bệnh nào đó thì việc đầu tiên là bạn cần thông báo ngay cho bác sĩ biết để bác sĩ có thể xem xét và điều chỉnh, hay thế những thuốc có thể gây tác động xấu lên thai nhi.
Trong giai đoạn mang thai, tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng bất cứ loại thuốc nào nếu không có chỉ định của bác sĩ, điều này áp dụng với cả các loại thuốc bổ, các viên bổ sung vitamin vì trong khi khám thai, bác sĩ đã căn cứ vào tình hình sức khỏe cũng như các kết quả xét nghiệm để chỉ định loại thuốc bổ/vitamin bổ sung cho bạn, nếu tự ý sử dụng thêm thì có thể lại gây tác dụng ngược.
Thói quen ăn thực phẩm chín tái hoặc sống
Dù là món ăn khoái khẩu hoặc thèm ăn đến mấy thì bạn cũng không nên ăn những món ăn chế biến từ thịt, cá như: phở bò tái, gỏi cá, sushi… bởi chúng có thể chứa các loại vi khuẩn như E.coli, listeria, campylobactor, salmonella gây nguy cơ sảy thai, sinh non, thai lưu.
Cần đảm bảo rằng tất cả các thực phẩm đã được nấu chín, chế biến kỹ để loại trừ các vi khuẩn nguy hiểm. Ngoài ra sữa tươi nếu chưa được qua khâu tiệt trùng thì không nên uống vì có thể trong sữa có chứa khuẩn listeria có thể làm tăng nguy cơ sảy thai.
Thói quen hút thuốc lá hay uống rượu bia
Thuốc lá, rượu bia còn gây ảnh hưởng không tốt đến người bình thường nên nó càng ảnh hưởng xấu đến phụ nữ mang thai. Đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh sự liên quan giữa hút thuốc, sử dụng rượu bia khi mang thai dẫn đến nguy cơ sẩy thai, sinh non, bé nhẹ cân…. Trong quá trình mang thai, tuyệt đối không nên hút thuốc (ngay cả trường hợp hút thuốc thụ động cũng có hại cho thai nhi), không nên uống quá nhiều rượu bia, cà phê.
Bạn nên nhớ rằng tất cả những gì bạn ăn, uống đều đi qua nhau thai đến bào thai, con bạn cũng sẽ chịu ảnh hưởng nên hãy suy nghĩ kỹ để chọn cho bản thân những thức uống, thực phẩm tốt cho em bé trong bụng.
Thói quen xoa bụng bầu để tăng tình cảm với con
Với nhiều mẹ bầu, xoa bụng như một hành động giao tiếp, thể hiện tình cảm trìu mến với con nên thường xuyên xoa bụng, còn nhiều bà mẹ thì lo ngại quá trình rạn da khi mang thai nên sử dụng các loại kem dưỡng da xoa, massage kỹ để kem thấm sâu hơn, bảo vệ da hiệu quả hơn mà không biết rằng điều này gây tác động đến thành bụng, nhưng điều đó có thể làm động thai do tử cung bị co lại.
Tuy nhiên không có nghĩa là bạn không thể xoa bụng, bạn có thể xoa bụng nhưng nên lưu ý rằng xoa nhẹ, không xiết mạnh, không nên xoa lâu quá và không xoa nhiều lần trong ngày. Nếu trước đây đã từng bị động thai, sảy thai… thì không nên xoa, vỗ bụng.
Vận động mạnh
Làm việc quá sức, công việc nặng nhọc có thể gây áp lực cho vùng chậu và bụng cũng có thể gây sảy thai. Nhiều người nghĩ rằng đi bộ nhiều sẽ giúp việc sinh nở dễ dàng hơn nhưng thực tế là nếu đi bộ quá nhiều thì có thể gây áp lực cho vùng chậu và bụng, có thể gây sinh non, sảy thai đặc biệt là những phụ nữ có tử cung bị hở. Do đó bạn có thể bắt đầu tập luyện nhưng tập nhẹ nhàng, đi bộ từ từ, không quá gắng sức.
Nếu đã quen dần thì có thể tăng dần dần cường độ. Không tham gia các môn thể thao vận động mạnh, tốn sức, bê nặng, hay vận động thể lực nhiều gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Quan hệ tình dục khi mang thai
Quan hệ tình dục khi mang thai là hoàn toàn có thể, nó chỉ trở thành nguy cơ cao gây sảy thai đối với một số phụ nữ từng bị sảy thai, động thai trước đây.
Phụ nữ từng bị sảy thai không nên quan hệ để tránh các cơn co thắt tử cung, va chạm vùng bụng trong 3 tháng đầu mang thai để thai nhi ổn định. Sau đó bạn có thể gặp bác sĩ để có những lời khuyên, tư vấn chi tiết hơn cho những tháng về sau có thể quan hệ được hay không.
Đối với những phụ nữ có sức khỏe bình thường thì có thể quan hệ, tuy nhiên động tác phải nhẹ nhàng, khi có bất cứ biểu hiện nào khác thì phải dừng lại ngay và đi khám bác sĩ.
Để theo dõi và đảm bảo được sức khỏe của mẹ và thai nhi trong suốt thai kỳ thì bạn cần đi khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để phát hiện sớm được những bất thường có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của cả mẹ và bé nhé! Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh!
Tham khảo thêm: Lịch khám thai chuẩn 2018 mẹ bầu cần nhớ