Acid folic giúp giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh liên quan đến não và tủy sống của thai nhi. Thế nhưng, các mẹ có biết bổ sung lượng axit folic bằng cách nào và hàm lượng bao nhiêu thì đủ để phòng bệnh và tốt cho sự phát triển của bé?
Nội dung chính trong bài
1. Vì sao axit folic rất quan trọng
Bổ sung đầy đủ acid folic rất quan trọng cho tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vì ống thần kinh bắt đầu hình thành ngay từ những ngày đầu và hoàn thành vào ngày thứ 28 thai kỳ. Thời gian này nhiều phụ nữ thậm chí chưa nhận thức được rằng họ đã mang thai. Nếu người mẹ không có kế hoạch bố sung acid folic từ trước khi mang thai 3 tháng để phòng ngừa thiếu hụt acid folic thì thai nhi dễ bị dị tật ống thần kinh. Đây là vai trò được nhắc đến nhiều nhất của axit folic.
Ngoài ra, axit folic còn tham gia vào quá trình phát triển và phân chia của tất cả các tế bào trong cơ thể, các mô có nhu cầu axit folic cao để tăng trưởng. Thai nhi (đặc biệt là 3 tháng đầu của thai kỳ) rất cần axit folic để phát triển các cơ quan chính, nổi bật là hệ thống thần kinh trung ương và hệ thống tim mạch.
Acid folic là dưỡng chất không thể thiếu để bảo vệ thai nhi khỏi bệnh nứt đốt sống, vô sọ. Đây là dị tật xảy ra ở thai nhi trong vòng 7 tuần đầu thai thai kỳ do ống thần kinh không khép kín hoàn toàn.
Axit folic còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì quá trình tạo máu, bắt đầu từ giai đoạn sớm của thai nhi và tiếp diễn cho đến tuổi trưởng thành. Thiếu axit folic gây nên thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ – một dạng thiếu máu giống như do thiếu vitamin B12 gây ra. Các mẹ bầu thiếu axit folic quá nhiều sẽ có nguy cơ sảy thai cao, sinh non, dễ mắc chứng rối loạn tâm thần sau sinh, suy dinh dưỡng bào thai. Trẻ khi sinh ra cũng dễ mắc các bệnh về tim mạch, hở hàm ếch…
Lượng khuyến cáo nên bổ sung hằng ngày trong từng thời kì như sau:
- Chuẩn bị mang thai: 400 mcg aixt folic/ngày
- Khi mang thai: 600 mcg axit folic/ngày
- Trong khi cho con bú: 500 mcg axit folic/ngày
Một số trường hợp có thể cần bổ sung acid folic liều cao hơn nhưng cần theo sát chỉ định của bác sĩ như:
- Tiền sử có con bị dị tật ống thần kinh, tiền sử gia đình có thành viên bị dị tật ống thần kinh
- Bị gai cột sống và muốn có thai
- Đang uống thuốc để điều trị bệnh động kinh, tiểu đường tuyp 2, viêm khớp dạng thấp, lupus… Các thuốc này có thể làm giảm khả năng hấp thu acid folic của cơ thể
- Đang lọc máu vì bệnh thận
- Suy giảm chức năng đường ruột như: bệnh viêm ruột, bệnh celiac… ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ acid folic của cơ thể.
2. Bổ sung acid folic thế nào cho đúng?
1. Bổ sung từ các thực phẩm giàu axit folic
- Gan động vật, bầu dục, lòng đỏ trứng…
- Cam và nước cam có hàm lượng folate rất cao vì acid có trong cam bảo vệ folate không bị phân hủy.
- Quả bơ, dâu tây, lê, dưa hấu cũng là các loại quả cung cấp folate khá cao
- Các loại rau: măng tây, cải xoăn, rau lá xanh…
- Đậu đỗ, lạc, các loại hạt cũng là những thực phẩm có hàm lượng folate cao.
2. Bổ sung acid folic bằng thuốc
Mặc dù có nhiều thực phẩm chứa axit folic, tuy nhiên đây là chất rất nhạy cảm với sự phân hủy của nhiệu độ, tia cực tím hoặc Oxy hóa. Trong quá trình nấu hoặc chế biến, tỷ lệ mất folate có thể từ 50-90%, có khi là 100% khi nấu ở nhiệt độ cao và nhiều nước. Do đó nguồn bổ sung chính acid folic cho phụ nữ trong độ tuổi mang thai thường từ các loại thuốc bổ cho bà bầu.
Một ưu điểm của thuốc bổ sung axit folic là giúp cơ thể hấp thu dễ dàng dạng tổng hợp acid folic hơn dạng folate tự nhiên trong thực phẩm. Acid folic dùng uống bổ sung có giá trị dinh dưỡng là 100% nhưng folate từ thực phẩm có giá trị dinh dưỡng tối đa chỉ bằng 50% giá trị dinh dưỡng của dạng bổ sung. Hơn thế nữa quá trình chế biến thức ăn thường đã làm mất đi một lượng folate đáng kể.
Một số lưu ý khi bổ sung acid folic bằng thuốc:
Lưu ý hàm lượng acid folic có trong thuốc bổ sung chỉ nên trong khoảng từ 400-600mcg acid folic/ngày. Chỉ bổ sung liều cao hơn khuyến cáo khi có chỉ định của bác sĩ thăm khám trực tiếp. Bổ sung từ thuốc từ 800mcg acid folic/ngày trở lên trong thời gian dài được cho rằng làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim trên bệnh nhân tim mạch, tăng nguy cơ ung thư phổi, tăng nguy cơ trẻ bị tự kỷ sau này…
Nên uống viên sắt – axit folic chung với nước cam hoặc nước trái cây, vì vitamin C sẽ làm tăng hấp thu sắt, bảo vệ folate không bị phá hủy bởi quá trình Oxy hóa.
Tránh uống acid folic với nước trà, cà phê, rượu vì sẽ gây ra tác dụng phụ.
Acid folic là dưỡng chất mẹ bầu cần lưu ý cung cấp đủ hàng ngày để cơ thể khỏe mạnh, thai nhi phát triển tối ưu. Tuy nhiên không phải cứ bổ sung nhiều là tốt, cần tính toán để lựa chọn sản phẩm cung cấp acid folic ở liều lượng vừa đáp ứng đủ nhu cầu của mình mà thôi.
Theo Procarevn.vn