Dị tật ống thần kinh thai nhi là những bất thường xảy ra trong quá trình phát triển của tủy sống và não của thai nhi. Điều đáng lo ngại là tỉ lệ dị tật ống thần kinh thai nhi đặc biệt cao ở những nước thu nhập thấp, trong đó có Việt Nam. Do đó để bảo vệ con tốt nhất mẹ cần hiểu được các vấn đề về dị tật ống thần kinh và biện pháp ngăn ngừa. Hành động của mẹ bây giờ sẽ quyết định sức khỏe và tương lai con trẻ, vậy nên hãy là một bà mẹ thông thái ngăn ngừa mọi nguy cơ có thể gây hại đến con mẹ nhé.
Năm 2008 tỉ lệ thiếu hụt Acid Folic của phụ nữ Việt Nam là 53%, đồng nghĩa với việc cứ 2 người phụ nữ Việt Nam thì có 1 người có nguy cơ tiềm ẩn sinh con bị dị tật ống thần kinh. Nguy hiểm nhất là bất cứ độ tuổi nào, sinh con lần thứ mấy, sức khỏe vợ chồng có tốt hay không, đều có thể bị đe dọa bởi điều này khi mang thai.
Nội dung chính
I. Dị tật ống thần kinh thai nhi là gì?
1. Quá trình phát triển ống thần kinh ở thai nhi
Ống thần kinh là nền tảng cốt lõi để phát triển thành não và cột sống của thai nhi. Thường ống thần kinh phát triển từ rất sớm khi còn là phôi thai, cấu trúc ban đầu chỉ là một dải mô nhỏ, đến ngày thứ 28 mới hoàn thành gấp vào phía trong để tạo hình dạng một cái ống. Nếu trong quá trình phát triển, ống thần kinh không đóng lại hoàn toàn thì sẽ dẫn đến khiếm khuyết, gây ra di chứng nặng nề ở não trẻ.
2. Nguyên nhân gây ra dị tật ống thần kinh ở thai nhi
Để phát triển hoàn thiện – khép kín hoàn toàn, ống thần kinh cần được cung cấp đủ Acid Folic. Nếu như cơ thể người mẹ thiếu Acid Folic để nuôi dưỡng bào thai, ống thần kinh sẽ không khép kín gây ra các khiếm khuyết về bộ não, hộp sọ, tủy sống và xương sống.
3. Dị tật ống thần kinh thai nhi nguy hiểm đến mức nào?
Dạng phổ biến nhất của khiếm khuyết ống thần kinh là tật hở ống sống, tật vô sọ và thoát vị não – màng não.
- Tật hở ống sống làm lộ tủy sống ra ngoài, biến chứng thường gặp bao gồm: trẻ vận động khó khăn, thậm chí không thể vận động được; mất kiểm soát đại tiểu tiện; não úng thủy.
- Tật vô sọ là loại khiếm khuyết khiến não hầu như không phát triển, trường hợp này thai nhi đều chết lưu trong tử cung hoặc chết ngay sau khi sinh.
- Đối với trường hợp tật thoát vị não – màng não, trẻ có thể sống nhưng sẽ bị di chứng về tinh thần.
II. Cách ngăn ngừa dị tật ống thần kinh
Dị tật ống thần kinh xảy ra trong vòng 7 tuần đầu tiên của thai kỳ. Vì vậy điều quan trọng là bổ sung KỊP THỜI và ĐỦ Acid Folic trong những giai đoạn đầu khi bộ não của thai nhi và tủy sống đang hình thành.
Dưới đây là khuyến cáo của Liên đoàn quốc tế về sản phụ khoa (FIGO) về việc bổ sung acid folic đầy đủ trong những tuần đầu tiên giúp giảm tới 70% nguy cơ khuyết tật ống thần kinh của thai nhi:
“Tất cả phụ nữ có kế hoạch mang thai hoặc đang trong độ tuổi sinh đẻ không sử dụng biện pháp tránh thai nào và không có nguy cơ dị tật ống thần kinh nên bổ sung 400 microgram acid folic tổng hợp, bắt đầu ít nhất 30 ngày trước khi thụ thai và tiếp tục dùng hàng ngày trong suốt 3 tháng đầu của thai nghén.”
Các tổ chức uy tín khác như Hiệp hội sản phụ Hoa Kỳ (ACCOG), Học viện bác sĩ Hoa Kỳ, Học viện nhi khoa Hoa Kỳ… và nhiều cơ sở y khoa khác ở Việt Nam cũng có khuyến cáo như vậy.
III. Bổ sung acid folic từ thực phẩm và thuốc bổ cho bà bầu
Acid folic có nhiều trong các thực phẩm như: súp lơ xanh, cải làn, đỗ đen, đỗ đỏ, đỗ tương và các loại hoa quả và nước hoa quả thuộc họ cam quýt, gan gia súc và gia cầm. Mẹ có thể tăng cường chế độ dinh dưỡng để bổ sung acid folic cho cơ thể. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu acid folic trong thời gian mang thai mẹ cần sử dụng viên uống tổng hợp hoặc viên uống đơn có chứa acid folic dành cho bà bầu. Nguyên nhân là vì acid folic tồn tại trong thực phẩm dưới dạng folate, cơ thể rất khó hấp thụ. Còn acid folic dạng tổng hợp có trong thuốc bổ lại dễ hấp thu hơn. Quan trọng nhất, đây là giải pháp giúp mẹ giám sát được hàm lượng ĐÚNG và ĐỦ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
Lượng bổ sung mỗi ngày theo các tổ chức y tế khuyến cáo là 400mcg – 600mcg trong thời kỳ trước khi mang thai và mang thai 7 tuần đầu để phòng ngừa khuyết tật ống thần kinh ở trẻ. Đối với những bà bầu có nguy cơ cao, đã có tiền sử mang thai trẻ bị khuyết tật ống thần kinh thì cần bổ sung liều cao hơn, có thể tới 5000mcg, theo chỉ định của bác sỹ.
Mẹ nên lựa chọn những sản phẩm của nhà sản xuất uy tín, đã được Bộ Y Tế thẩm định và cấp phép. Sản phẩm nên có thành phần, hàm lượng chất dinh dưỡng dựa trên khuyến nghị của các tổ chức y tế thế giới, các cơ sở y khoa uy tín cùng chỉ định của bác sỹ để bảo vệ sức khỏe của thai nhi và chính mình.
Nếu mẹ muốn tìm hiểu kĩ hơn các cách bổ sung Acid Folic trong khi mang thai có thể tham khảo thêm: Bổ sung Acid Folic cho bà bầu đúng cách
Xem thêm:
- Uống thuốc bổ trước khi mang thai, nên hay không nên?
- Cẩm nang mang thai – Kiến thức sơ đẳng bà bầu cần biết
Thao says
Cháu mới làm xn triptest thì kq nói có nguy co bị dị tật ống thần kinh mong bác sĩ tư vẫn giúp j
Hiển thị trả lời
Dinh Dưỡng Bà Bầu says
Chào bạn,
Tất cả phụ nữ khi mang thai đều có nguy cơ sinh con bị bất thường, dị tật bẩm sinh hoặc bệnh di truyền. Tuy nhiên điểm khác nhau giữa các thai phụ là người này có nguy cơ cao (nhiều khả năng thai bị bất thường) nhưng người khác lại có nguy cơ thấp (khả năng thai bị bất thường thấp hoặc rất thấp). Đối với những trường hợp nguy cơ cao, bác sĩ sẽ tư vấn và tiếp tục thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán để xác định bệnh. Còn những trường hợp có nguy cơ thấp, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi và chăm sóc thai kỳ theo quy trình thông thường.
Trường hợp của bạn thai nhi có nguy cơ khuyết tật ống thần kinh nhưng bạn không nói rõ có nguy cơ cao hay thấp.
Nếu có nguy cơ cao thì bạn cần làm thêm một số bước để xác định tình trạng này. Cụ thể là bạn cần được siêu âm hình thái học để khảo sát và chẩn đoán xem thai có bị bất thường ống thần kinh không. Cần lưu ý là khả năng thai bình thường cao hơn khả năng bất thường trong hầu hết các trường hợp nguy cơ cao.
Do đó bạn không quá lo lắng mà nên thực hiện thăm khám, theo dõi thai nhi theo chỉ định của bác sỹ nhé
Chúc bạn một thai kỳ khỏe mạnh!
Hiển thị trả lời